Bí thư Huyện ủy An Phú khảo sát Làng bè đa sắc màu, tạo kết nối thu hút khách tham quan phát triển dịch vụ du lịch

Sáng 25/9, Bí thư Huyện ủy An Phú, Chủ tịch HĐND huyện, Ngô Công Thức khảo sát Làng bè đa sắc màu thuộc địa phận thị trấn Đa Phước, tạo kết nối, thu hút khách tham quan, phát triển dịch vụ du lịch, nâng cao giá trị cuộc sống cho người dân.

Bí thư Huyện ủy An Phú khảo sát làng bè đa sắc màu thị trấn Đa Phước

Làng bè đa sắc màu dài 1.170m, với 161 bè được đầu tư sơn theo hiện trạng bằng nguồn vốn sự nghiệp tỉnh An Giang. Các nhà bè được sơn phủ 6 màu sắc gồm: Đỏ - vàng - cam - lục - lam - tím, tạo nên cảnh tượng rực rỡ, thú vị, độc đáo cho vùng sông nước An Phú.

Làng bè đa sắc màu kỳ vọng phát triển du lịch An Phú

Để đến làng bè đa sắc màu An Phú du khách có thể đi bằng ghe từ sông Châu Đốc hoặc đi xe đến thị trấn Đa Phước, sau đó xuống ghe để tham quan làng bè, trãi nghiệm cuộc sống làng bè, cách người dân nuôi trồng thủy sản trong lồng bè. Khi về đêm những ánh đèn màu tạo nên một làng bè lung linh soi mình trong nước, tạo nên nét đẹp huyền ảo.

Điểm nhấn mới cho sản phẩm du lịch vùng sông nước An Phú

Công trình làng bè đa sắc màu do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn khoảng 2,7 tỷ đồng đang hoàn thành giai đoạn sơn màu. Hiện nay, một số nhà bè đã đầu tư du thuyền, kết hợp trưng bày sản phẩm truyền thống phục vụ khách tham quan du lịch làng bè đa sắc màu.

Một số nhà bè đầu tư ghe thuyền phục vụ khách tham quan làng bè

Sản phẩm truyền thống thổ cẩm làng Chăm cũng được trưng bày phục vụ khách tham quan

Để làng bè đa sắc màu trở thành điểm đến hấp dẫn khách tham quan, Bí thư Huyện ủy An Phú, Ngô Công Thức yêu cầu UBND thị trấn Đa Phước kết hợp các nhà bè tạo thuận lợi an toàn cho khách đến thăm quan làng bè.

Bí thư Huyện ủy An Phú, Ngô Công Thức (phải) trao đổi về kết nối tua du lịch làng bè

Bên cạnh, địa phương cần kết nối tua du lịch tham quan làng bè đa sắc màu cùng với đời sống, văn hóa làng Chăm Đa Phước hơn 120 năm tuổi; tham quan cây da hơn 300 năm tuổi gắn với các công trình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo, du lịch tâm linh. Đặc biệt, kết hợp tham quan du lịch gắn với quảng bá sản phẩm OCOP, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tua du lịch bơi thuyền trên Búng Bình Thiên cùng thưởng thức những đặc sản vùng sông nước An Phú. Qua đó, tạo nên điểm nhấn mới cho sản phẩm du lịch đặc trưng ở huyện An Phú nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.

Tin, ảnh: Thế Anh