Định hướng phát triển du lịch gắn với làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc và văn hoá đồng bào Chăm An Giang

        

Sáng 26-10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức đoàn tham quan, khảo sát và xây dựng định hướng phát triển du lịch gắn với làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc và văn hoá đồng bào Chăm An Giang; tham dự có ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang; đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và phòng chuyên môn; lãnh đạo UBND thành phố Châu Đốc; UBND thị xã Tân Châu; UBND Thị trấn Đa Phước; doanh nghiệp du lịch, hộ dân kinh doanh du lịch.  

Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc

Tham quan bè nuôi cá và điểm mua quà lưu niệm

Tham quan điểm mua quà lưu niệm

Dệt thổ cẩm đồng bào Chăm

Bánh dân gian đồng bào Chăm

Tham quan nhà cổ đồng bào Chăm

Đoàn đã có chuyến tham quan khảo sát làng bè sắc màu ngã ba Sông Châu Đốc, tham quan bè nuôi cá và điểm mua quà lưu niệm; đến bờ Châu Phong, tham quan và trải nghiệm dệt thổ cẩm đồng bào Chăm của ông Mohamad, nơi làm bánh dân gian nghệ nhân Rô Phi Á; tham quan các thánh đường, nhà cổ, nơi sản xuất tung lò mò; tham quan làng Chăm Đa Phước, điểm mua sắm của hộ Y Sa...

Toàn cảnh buổi họp

Sau khi tham quan làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc và văn hoá đồng bào Chăm An Giang, đoàn đã tiến hành cuộc họp trao đổi về việc xây dựng các dịch vụ du lịch gắn liền với công trình làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc như: dịch vụ dừng nghỉ, vận chuyển, tham quan, mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí; việc chỉnh trang cảnh quan, môi trường, sắp xếp lại các dịch vụ, cung đường tham quan tại các làng Chăm phục vụ khách du lịch; một số vấn đề liên quan đến kế hoạch tổ chức lễ khánh thành công trình làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc (dự kiến tổ chức vào ngày 11 tháng 01 năm 2024 tại Khu dân cư làng Chăm Đa Phước).

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phát biểu tại cuộc họp

Để định hướng phát triển du lịch bền vững, có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước – Người dân – Doanh nghiệp gắn với làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc và văn hoá đồng bào Chăm An Giang, tại cuộc họp, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang yêu cầu:  Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng tiêu chí bến tàu du lịch để mời gọi các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp xây dựng đúng quy trình, hình thức đảm bảo an toàn, thuận tiện, hợp pháp; hỗ trợ rà soát các tiêu chí về vấn đề môi trường khi triển khai các dịch vụ du lịch như: nhà hàng, quán ăn, lưu trú, nhà vệ sinh,….Đối với UBND thành phố Châu Đốc tổ chức lại những điểm bố trí bến tàu để đưa, đón khách theo tuyến đường thủy, phù hợp với quy hoạch của địa phương; hỗ trợ mời gọi xã hội hoá gắn đèn led màu ban đêm theo màu của các bè cá được sơn trong dự án đang thực hiện; nghiên cứu các dịch vụ vận chuyển đường bộ từ Châu Đốc qua Đa Phước.

UBND thị xã Tân Châu phối hợp khảo sát, rà soát lại các cung đường tham quan du lịch hiện đang có tại khu vực làng Chăm Châu Phong như: dệt thổ cẩm, tham quan thánh đường, bánh dân gian, nhà sàn, nhà cổ đồng bào Chăm, ẩm thực đặc trưng,…Có chính sách hỗ trợ tuyền tuyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu đối với các hộ dân, hộ kinh doanh tham gia các dịch vụ du lịch; rà soát lại các cơ sở dệt lụa, Lãnh Mỹ A Tân Châu, chọn lọc hoặc xây dựng mô hình để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.

Đối với UBND huyện An Phú rà soát lại quy hoạch đầu tư khu vực Cồn Tiên để mời gọi đầu tư các dịch vụ du lịch gắn liền với làng bè sắc màu, nghiên cứu xây dựng thêm tuyến đường bộ ra làng bè; nghiên cứu thành lập Hợp tác xã để theo dõi, quản lý cũng như hỗ trợ các chính sách phát triển du lịch cho các hộ dân, xã viên;  chỉnh trang lại cảnh quan, vệ sinh môi trường khu vực làng Chăm Đa Phước, tiếp tục vận động đồng bào Chăm thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hoá đặc trưng; phối hợp tổ chức các lơp tập huấn cách giao tiếp, phục vụ, cách thức quảng bá du lịch cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp du lịch….

Tin, ảnh: Ngọc Cẩm