Đồng bào Chăm Đa Phước giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Chăm. Những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn được đồng bào chăm gìn giữ đến nay.

Dệt thổ cẩm của người chăm Đa Phước

Sản phẩm tạo ra từ dệt thổ cẩm của người Chăm

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm rất phát triển, đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cũng như nghệ thuật thiết trí hoa văn trên vải. Vải Chăm sợi mịn, nhiều màu sắc, kiểu dáng, hoa văn trang trí rất đẹp. Hoa văn trên vải rất phong phú và đa dạng. Hoa văn thổ cẩm Chăm có 40 loại và chia làm 4 nhóm: hoa văn động vật, hoa văn thực vật, hoa văn chỉ đồ vật và các loại hoa văn khác. Hoa văn trên tấm vải được bố trí theo chiều dọc nhưng không trang trí trên diện tích rộng.  

Nếu khi xưa, nguồn sống chính của nhiều gia đình người Chăm là dựa vào dệt, thì nay, dệt chỉ còn là một nghề phụ, bên cạnh còn có các ngành sản xuất khác, song người Chăm vẫn luôn giữ gìn, phát triển nghề truyền thống. Theo thống kê, hiện làng Chăm thị trấn Đa Phước có 2 khung dệt, với 3 thợ dệt chính, nhưng đa phần rất nhiều phụ nữ chăm trong xã thạo nghề dệt thổ cẩm, những sản phẩm từ dệt thổ cẩm đã trở thành hàng hóa để trao đổi, buôn bán rộng rãi, như xà rông và khăn rằn…

Ngoài giá trị về mặt kinh tế, thẩm mỹ, những hoa văn trên thổ cẩm hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh của xã hội người Chăm. Những sản phẩm thủ công đã làm cho nghề dệt truyền thống người Chăm mang những nét đặc trưng, tiêu biểu, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, đây còn là một trong những tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.    

Tin, ảnh:  Ngọc Cẩm