Đồng hành cùng người lao động trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm

          

Chăm lo cho người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với các ngành, UBND các xã, thị trấn triển khai, thực hiện các giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 về triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện An Phú và Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/03/2023 của UBND huyện An Phú thực hiện các tiểu dự án, nội dung thành phần về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn mới năm 2023.  

Người lao động tham gia lớp học nghề thiết kế vườn

Người lao động tham gia lớp học nghề may dân dụng

Người lao động tham gia lớp học nghề kỹ thuật nuôi lươn

Người lao động tham gia học nghề kỹ thuật làm hoa giả (hoa vải voan, giấy nhún)

Để thực hiện đúng kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tích cực phối hợp UBND các xã, thị trấn khảo sát người lao động tại địa phương về nhu cầu học nghề, để lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp, đảm bảo khi hoàn thành khóa học sẽ có việc làm. Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên An Phú đã mở được 35 lớp đào tạo nghề (trong đó nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp 24 lớp, lĩnh vực nông nghiệp 11 lớp), có 1.050 học viên tham gia học nghề và 390 lao động tự học nghề đạt trên 105% kế hoạch năm và đạt  trên 122% so với cùng kỳ năm 2022.    

Người lao động có cơ hội tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện An Phú ngày 21/5/2023 vừa qua

Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu UBND huyện tổ chức phiên giao dịch việc làm có 32 công ty, doanh nghiệp tham gia gồm: 15 đơn vị trực tiếp, 17 đơn vị trực tuyến, kết quả có 508 lao động đăng ký tìm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, 19 lao đăng ký tìm việc trực tuyến tại sàn giao dịch việc làm, 86 lao động được phỏng vấn trực tiếp, 75 lao động hẹn phỏng vấn, 16 lao động đăng ký xuất khẩu lao động, 213 lao động đăng ký học nghề; đồng thời vận động lao động, học sinh tự tham gia học nghề ở các trung tâm, trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để số lao động qua đào tạo được nâng lên nhăm đáp ứng nhu cầu chỉ tiêu huyện đề ra.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện An Phú được quan tâm thực hiện tốt, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho 5.700 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 20 người) đạt trên 113% kế hoạch năm 2023 và đạt trên 135% so với kế hoạch kinh tế, xã hội 05 năm của huyện và đạt trên 100% so với cùng kỳ năm 2022.

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan, ban ngành huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho Nhân dân trên địa bàn huyện, giúp cho người dân tìm kiếm những thị trường có thu nhập cao, phù hợp với điều kiện của bản thân để tham gia, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền chính sách giáo dục nghề nghiệp cấp xã, có 216 lượt người tham dự; truyền thông, tuyên truyền chính sách giáo dục nghề nghiệp và xuất khẩu lao động bằng hình thức lắp 24 bảng panô trên địa bàn xã, thị trấn và phát 2.000 cuốn sổ tay tuyên truyền; quan tâm, theo dõi và kiểm tra chấn chỉnh việc chấp hành luật bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện; đồng thời đề nghị UBND các xã, thị trấn quan tâm, nắm tình hình lao động đi làm việc trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động trở về địa phương; tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động theo Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 31/3/2023 của UBND huyện.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu câu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phân giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.    

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thời gian tới, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nhấn mạnh: “Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tiếp tục phối hợp tăng cường công tác khảo sát nguyện vọng của người lao động có nhu cầu học nghề  tại các xã, thị trấn; chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn mở các lớp đào tạo nghề theo địa chỉ, đảm bảo việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành các khóa học. Ngoài ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tiếp tục tham mưu, đề xuất các kế hoạch, chương trình liên quan đến các công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, các nguồn vốn vay để hỗ trợ kịp thời cho người lao động, phấn đấu thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra”.    

Bài, ảnh: Ngọc Cẩm