Nông nghiệp An Phú sản xuất gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện An Phú lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, đưa ra 3 khâu đột phá, trong đó có ngành nông nghiệp là một trong ba khâu chọn là: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất và sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Sau 3 năm triển khai thực hiện, toàn huyện có 06/08 nhóm sản phẩm được quy hoạch của tỉnh, với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, góp phần tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện lên 3,2 ha so với năm 2020, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.

Dưa lưới công nghệ cao

Ươn cây giống trong nhà lưới

Đường ra cánh đồng kết hợp các mô hình sinh kế trong mùa lũ trong chuỗi Dự án WB9

Các mô hình sản xuất gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm, chương trình 3 giảm – 3 tăng; 1 phải – 5 giảm và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được ổn định và nhân rộng, năng suất, chất lượng ngày càng được nâng cao. Cụ thể, năng suất lúa bình quân đạt 6,8 tấn/ha, tăng 0,6 tấn/ha. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế như: Nhà màng trồng dưa lưới năng suất 90 -100 tấn ha/năm, lợi nhuận từ 900 triệu đến 1,5 tỷ đồng, cao gấp 50 lần so với sản xuất lúa; ươm giống cây con như: cà, ớt và rau ăn lá,… mỗi năm gần 20 triệu cây/ha/năm, lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết: Việc phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, kết hợp các dự án do tỉnh đầu tư, cùng với những mô hình sinh kế góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Dự án WB9 hay còn gọi là dự án tạo hạ tầng cơ sở phục vụ cho người dân đầu nguồn ở 3 xã gồm: Phú Hữu, Vĩnh Lộc và Vĩnh Hậu thích ứng với biến đổi khí hậu đã hoàn thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao với các mô hình sinh kế trong mùa lũ, giúp bà con nông dân nơi đây yên tâm sản xuất và hạ tầng giao thông đảm bảo lưu thông trong những tháng mưa lũ về.  

Đến nay, nông nghiệp huyện An Phú có những bước tiến đáng kể so với trước đây, từng bước hoàn thiện theo hướng thông minh, hiện đại, tăng dần chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, quy mô tập trung theo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp. Những mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã nâng giá trị nông nghiệp đến giữa năm 2023 ước đạt 186 triệu đồng/ha, tăng 06 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú khẳng định: Huyện sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống giao thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản chất lượng, nâng cao thu nhập, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Phát huy những kết quả đạt được, dự kiến đến năm 2025, An Phú sẽ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân khoảng 30% ha trên tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy phát triển công nghệ số, chuyển đổi số trong sản xuất, đảm bảo các sản phẩm chủ lực của huyện được lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Bài, ảnh: Phan Tuấn