An Phú thu hút lao động nông thôn từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện An Phú thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thay đổi tập quán sản xuất, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm để tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Chính từ các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã thu hút được một lực lượng lao động khá lớn, tạo ra thu nhập ổn định tại quê nhà, không phải ly hương lên các thành phố lớn tìm kế mưu sinh.

An Phú phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Chị Nguyễn Thị Láng, xã Nhơn Hội yên tâm lao động ở địa phương

Chị Nguyễn Thị Láng, nhà ở xã Nhơn Hội chia sẻ: Sau nhiều năm xa quê lên Bình Dương làm công nhân cũng không yên tâm, khi hai con trẻ ở quê nhà ngày một lớn khôn đang thiếu sự chăm sóc của mẹ. Sau đó, chị Láng quyết định quay về quê nhà tìm một việc làm ở một cơ sở ươm cây giống công nghệ cao, thu nhập mỗi tháng trên 6 triệu đồng, dù không cao hơn lương làm công nhân nơi xứ xa, nhưng bù lại chị yên tâm hơn, sống gần nhà được chăm sóc hai con ăn học tốt hơn.

Chị Võ Thị Kim Phụng ở xã Quốc Thái

Còn với chị Võ Thị Kim Phụng ở xã Quốc Thái cho biết: Sau đại dịch COVID-19, chị Phụng quyết không lên Bình Dương tìm việc làm, mà xin vào một cơ sở sản xuất rau sạch gần nhà làm công. Hai năm làm tại đây, thu nhập của chị ổn định, được ở gần nhà nên mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày không cao và chị có thời gian chăm sóc được gia đình.

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết thêm: Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, trong 3 năm qua diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện tăng lên là 5,1 ha với 103 nhà màng, nhà lưới đã thu hút rất lớn lực lượng lao động. Trung bình mỗi nhà màng có khoảng 20 lao động, nếu vào cao điểm lượng lao động sẽ tăng lên nhiều hơn, góp phần đáng kể tìm việc làm ở nông thôn.

Thay đổi cách làm nông, đưa ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất không chỉ tăng giá trị sản phẩm để cạnh tranh thị trường, mà còn giải quyết được việc làm cho nhiều bà con ở nông thôn, mà ở vùng biên An Phú đang thực hiện thu hút được nhiều lao động, đây là cơ hội để bà con hồi hương tìm cho mình việc làm ổn định, yên tâm phát triển tại quê hương.

Bài, ảnh: Phan Tuấn