An Phú tổng kết Mô hình sản xuất lúa “1 phải – 6 giảm”

 

Sáng 24/11, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện An Phú tổ chức Hội thảo tổng kết Mô hình sản xuất lúa Carbon thấp (1 phải – 6 giảm) theo Nghị định 62 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang; lãnh đạo Trạm Khuyến nông; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện An Phú và hơn 50 bà con nông dân xã Phước Hưng (huyện An Phú) tham dự.

Nông dân tham quan mô hình

Lãnh đạo ngành chuyên môn tỉnh, huyện tham quan mô hình

Ông Phạm Văn An, nông dân xã Phước Hưng chia sẻ về mô hình sau khi tham quan

Mô hình được nông dân Nguyễn Văn Trường, ấp Phước Thạnh, xã Phước Hưng đăng ký thực hiện từ ngày 25/08/2023 đến nay, với diện tích 05 hecta và ruộng đối chứng có diện tích 0,5 hecta và giống được chọn thực hiện mô hình là OM18. Qua tham quan mô hình, bà con nông dân nhận thấy, lượng giống gieo sạ, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới tiêu đều giảm so với ruộng không sử dụng 1 phải – 6 giảm,…từ đó, ước giảm chi phí trên 6 triệu đồng/hecta và lợi nhuận cao hơn 8 triệu đồng/hecta so với mô hình đối chứng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang giải đáp những thắc mắc của bà con nông dân tại buổi hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang nhấn mạnh: Mô hình sản xuất lúa Carbon thấp (1 phải – 6 giảm) tức là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tưới, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng khí phát thải nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình giảm chi phí, tăng lợi nhuận và chất lượng nông sản, vì thế, ông Nguyễn Văn Hiền mong muốn bà con nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình theo hướng quy hoạch vùng gắn với liên kết chuỗi sản xuất, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã để giúp cho bà con nông dân phát triển nhanh và bền vững.

Tin, ảnh: Nghĩa Thanh