An Phú từng bước phát triển du lịch vùng đầu nguồn biên giới

An Phú là vùng đất thiên phú, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách bởi vị trí địa lý khác biệt. Vừa có đồng bằng rộng lớn, nhiều sông rạch, có hệ thống đường bộ, đường thủy thông thương với thành phố Châu Đốc; có biên giới và nhiều cửa khẩu thuận lợi qua lại Campuchia; nhiều di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa; có đồng bào Chăm với nét văn hóa, kiến trúc đặc sắc; có Búng Bình Thiên thơ mộng trong xanh quanh năm...

Tuy nhiên thời gian qua, vì nhiều lý do mà “ngành công nghiệp không khói” của huyện chưa phát triển xứng tầm như mong đợi.

Nền tảng để phát triển

Huyện An Phú nằm ở đỉnh Tây Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp Campuchia. Nơi tiếp nhận dòng chảy đầu tiên của dòng Mekong vào Việt Nam. Hệ thống sông ngòi chằng chịt gồm Sông Hậu, sông Bình Di và sông Châu Đốc chạy song song tạo nên cù lao An Phú ở giữa. Nơi đây có những căn cứ địa Cách mạng nổi tiếng như B3 Khánh Bình ( Vạt Lài), B1 Phứ Hữu… với truyền thống giữ nước và dựng nước vẻ vang.

Hầu hết diện tích huyện An Phú đều là đồng bằng, đất đai phù sa màu mỡ. Hàng năm vào khoảng từ tháng Sáu mực nước trên sông Mê Kông dâng cao, mưa nhiều kết hợp với lượng nước tích tụ tại Biển Hồ của Campuchia đổ về làm nên mùa nước nổi. Theo đó người dân tập trung khai thác, đánh bắt, nuôi trồng tăng thêm thu nhập trở thành tập quán sinh hoạt rất riêng của vùng đồng bằng sông nước.

Sự đa dạng về văn hóa của bốn dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cũng là một nguồn khám phá bất tận. Các dân tộc anh em ở đây luôn sống trong tình đoàn kết chan hòa đậm đà bản sắc. Nơi đây có những lễ hội quen thuộc như Lễ hội mùa nước nổi; Lễ hội Văn hóa thể thao truyền thống 2/9; Những ngày Văn hóa thể thao đồng bào Chăm… và các địa danh như: Xóm Chăm, làng bè Đa Phước, khu sinh thái lòng hồ Búng Bình Thiên, giồng cây da với cây da trên 350 tuổi... từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng sông nước cũng như du khách gần xa. Mỗi năm có hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến An Phú.

Gần đây cầu Long Bình nối liền đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia cũng tạo ra một tiềm năng rất lớn cho du lịch, hứa hẹn rất lớn cho sự phát triển của địa phương. Đặc biệt là người dân ở đây vô cùng hiếu khách, Chính quyền địa phương luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến đây để làm giàu, làm đẹp cho quê hương.

Điểm qua vài nét đẹp quê hương

1. Những làng Chăm và văn hóa Chăm

Lên cầu Cồn Tiên nhìn xuống, ấn tượng đầu tiên là làng bè trải dọc theo sông Hậu. Tập quán sinh sống trên sông nước của người dân vùng đầu nguồn biên giới đã thu hút sự hiếu kỳ và trải nghiệm của du khách. Cái tên Cồn Tiên cũng gợi nên nhiều lý thú cho những ai muốn tìm hiểu. Khách Tây đã phải trầm trồ với sự thích nghi và cách sống hòa mình với thiên nhiên của bà con làng bè. Nhà bè trở thành một kiểu nhà độc đáo “nửa chìm nửa nổi” được nhắc đến trên những diễn đàn du lịch thế giới. Chính vì lẽ đó mà nơi đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều năm nay. Cách đó không xa, khoảng vài trăm mét, là thánh đường Hồi giáo uy nghi, cổ kính và đẹp đẽ của làng Chăm Đa Phước, thánh đường được xây dựng với kiến trúc chóp và tháp tròn tinh xảo theo lối kiến trúc phồn thực của Hồi giáo. Đặc biệt những cô gái Chăm yêu kiều bên khung dệt và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nơi đây hàng ngày đã thu hút hàng trăm lượt du khách nước ngoài đến tham quan.

Cô gái Chăm đang dệt vải

An Phú có tổng cộng năm xóm người Chăm trên tổng số chín xóm ở An Giang. Đến với cộng đồng người Chăm Islam ở An Phú không những du khách được đến với một bản sắc dân tộc được kết hợp cao độ với tôn giáo, mà còn hào hứng với những triết lý nhân sinh ẩn chứa trong từng ngôi nhà sàn gỗ cổ kính, trong từng chiếc ghe mui tròn đặc trưng, trong từng hoa văn và chi tiết trên các sản phẩm dệt, trong từng bộ trang phục hay chiếc khăn đội đầu ma-tơ-ra. Tất cả kết hợp hài hòa để tạo nên một An Phú quen thuộc nhưng chưa bao giờ là nhàm chán. Những món ăn như: Cơm nị, cà púa, tung lò mò được chế biến cầu kỳ, theo hương vị riêng chỉ có ở người Chăm và văn hóa Chăm sẽ làm cho những ai nếm thử một lần đều nhớ đến đất, đến người ở nơi đây.

2. Hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây

Dọc theo quốc lộ 91C đến Km 23+100 ở ngã tư Quốc Thái, rẽ trái đi tiếp vài trăm mét là đến nơi có hồ nước huyền thoại với tên gọi Búng Bình Thiên, một hồ nước ngọt thiên nhiên rộng mênh mông, trong xanh quanh năm, nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu). Búng Bình Thiên đi nằm trên địa phận 3 xã gồm: Quốc Thái, Khánh Bình và Nhơn Hội của huyện An Phú… Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là “hồ Nước Trời” hay được báo chí ca tụng là “hòn ngọc của Chín Rồng”. Chỉ một từ “búng” trong địa danh “Búng Bình Thiên” thôi mà chưa có nhà ngôn ngữ nào kiến giải thuyết phục, đó cũng là một cái hay cho những người muốn khám phá. Nhiều truyền thuyết và huyền thoại được truyền miệng trong dân gian có liên quan đến vua Gia Long, Võ Duy Dương (tướng lĩnh của triều Tây Sơn) hây thất tiên giáng trần được kể ở đây. Dễ dàng để nghe được những sự tích về Búng Bình Thiên có liên quan đến kiếm báu, bảo ngọc hay rùa vàng rùa bạc, hoặc tôm vàng tôm bạc… Du khách còn được nghe những vị cao niên đọc lại những bài thơ viết về nơi đây mà theo họ là của một vị hoàng đế để lại.

Tham quan Búng Bình Thiên

Theo khảo sát của các ngành chuyên môn, lòng Búng Bình Thiên có diện tích mặt nước vào mùa nước cạn khoảng 300ha, vào mùa nước nổi khoảng 900ha, độ sâu trung bình khoảng 4m, đặc biệt không bao giờ cạn nước. Cửa búng nối liền với sông Bình Di, vào mùa nước lũ, nước dòng sông đỏ nặng phù sa nhưng khi chảy vào cửa búng khoảng trăm mét thì nước lại trở nên trong xanh, phẳng lặng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dưới lòng búng có nhiều loài thân mềm hai mãnh vỏ, loại  rong, tảo có thể ngăn dòng nước chảy xiết, đồng thời có tác dụng lọc nước, khiến nước hồ cứ xanh trong quanh năm. 

Đến Búng Bình Thiên vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), du khách sẽ có dịp tham dự lễ hội truyền thống đó là “Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên” diễn ra vào ngày 30 và 31/8 hàng năm. Đây là liên hoan văn hóa đặc thù vùng đầu nguồn sông nước, nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa, khai thác, đánh bắt thủy sản vào mùa nước lũ. 

Nếu du khách có dịp đến xem lễ hỗi văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên, du khách không chỉ được thưởng thức chương trình nghệ thuật sân khấu nước hoành tráng, tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người dân An Phú nói riêng mà còn được lắng nghe những câu hò, điệu lý, những tài tử hát giao duyên đằm thắm, trữ tình, với những chất giọng thánh thót trên một khúc sông...; 

Song du khách còn được giải trí với các hoạt động thể thao sôi nổi như: đua thuyền, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bơi lội, chống xuồng trên đồng và nhiều trò chơi dân gian khác.

Nếu đến Búng Bình Thiên vào những buổi chiều tà, du khách sẽ được những cô gái Chăm chèo thuyền đưa khách lướt nhẹ trên trên mặt sông êm đềm để ngắm cảnh Bình Thiên hữu tình, nơi đây từ lâu đã trở thành thiên đường của những nhà săn ảnh chuyên nghiệp và là thánh địa của “Hội những người sống ảo”.

Với những vẽ đẹp huyền bí gắn với những nền văn hóa độc đáo của vùng sông nước. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã công bố quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí với diện tích khoảng 139ha, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu quốc gia Khánh Bình nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. 

3. Cây da cổ thụ sống qua gần bốn thế kỷ

Ngược dòng du lịch Sinh thái Búng Bình Thiên, nằm cách Trung tâm Thương mại Khánh An khoảng 2 km, từ Quốc lộ 91 C, sau khi rẽ vào một đường nhánh chừng 300m, cây da cổ thụ đã hiện ra trước mắt chúng ta. Người dân gọi tên nơi đây là “giồng Cây Da” và là một trong những địa chỉ quen thuộc của du khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất An Phú. Bởi nơi đây đã tồn tại cây da cổ thụ hơn 350 năm tuổi, gốc cây thật to độ khoảng 15 người nối tay nhau mới giáp. Cây da không chỉ là nhân chứng sống với bao huyền thoại mà còn là biểu tượng tinh thần của người dân địa phương.

Cây đa trăm tuổi tại Khánh An

Bất kỳ người dân nào ở xã Khánh An cũng rất trân trọng cây da và còn gọi là “ông cây”, bởi cây da gắn bó với đời sống thăng trầm của biết bao thế hệ cư dân nơi đây. Đặc biệt, Vào các ngày lễ, Tết, người dân đến đây thắp hương khấn nguyện để cầu an lành, sức khỏe. Cây da không chỉ là “đại cổ thụ”, là biểu tượng tinh thần mà còn là nơi lưu giữ, ghi dấu nhiều huyền thoại của vùng đất đầu nguồn biên giới, là cái nôi căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến oanh liệt. 

4. Làng khô cá bổi lớn nhất Miền Tây

Cũng tại xã Khánh An, sau khi ghé thăm giồng cây da, du khách có thể tham quan làng nghề và thưởng thức món khô cá sặc rằn của người dân vùng sông nước An Phú, từ lâu, huyện đầu nguồn An Phú còn được biết đến với các loại khô nước ngọt được thực khách nhiều nơi ưa thích. Trong đó, khô cá sặc rằn xã Khánh An đã dần được khẳng định thương hiệu và trở thành món ăn đặc sản “khó quên” của vùng đất biên giới.

Hiện toàn xã Khánh An có trên 180 hộ sản xuất khô cá sặc rằn, trung bình mỗi ngày cung ứng trên 6 tấn khô cá sặc rằn cho thị trường và mô hình nuôi cá sặc rằn của địa phương cũng theo đó phát triển. Toàn xã Khánh An có trên 8ha diện tích ao nuôi với sản lượng 87 tấn hàng năm, nhằm cung cấp kịp thời nguồn nguyên liệu cá sặc rằn tại chỗ cho địa phương. Với nhiều người, nhất là khách từ phương xa đến thì khô cá sặc rằn xã Khánh An đã trở thành món quà quý của vùng đầu nguồn sông nước. Bởi khô cá sặc rằn đã được làm ra với cái vị mặn mòi của muối, hòa quyện cùng hương vị ngọt ngào, đậm đà, thơm ngon của thịt cá nước ngọt, khô sặc rằn Khánh An gợi lên nổi nhớ về những bữa cơm giản dị của những ngày ấu thơ trong lòng mỗi thực khách. 

Theo kinh nghiệm của người làm khô cá sặc rằn, để khô mặn vừa, người ta phải làm cá thật sạch rồi cho ướp đá trong khoảng thời gian ngắn, bước tiếp theo là ướp muối rồi mang đi phơi nắng. Tùy vào nhu cầu thị trường mà cá được phơi “một nắng” hay “hai nắng” rồi đóng gói, hút chân không để an toàn vệ sinh, bảo quản lâu hơn và cũng theo nhiều hộ có kinh nghiệm, khô sặc rằn Khánh An ngon nhất là khi phơi “một nắng” bởi thịt mềm và hương vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng, cũng từ đó khô cá sặc rằn Khánh An đã tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. 

5. Cột mốc ở ngã ba sông và tượng Phật A Di Đà hai mặt nhìn về hai đất nước

Rời Khánh An, du khách có thể đi tiếp vài km nữa sẽ đến thị trấn biên giới Long Bình, nơi đây quý khách có thể tha hồ mua sắm các sản phẩm thương hiệu thừ Thái Lan, Lào, Campuchia; tham quan cột mốc 246.1, ngắm nhìn thượng nguồn Mekong; Tham quan chùa Linh Ẩn, nơi có “tượng Phật A Di Đà hai mặt” lớn nhất miền Tây với chiều cao gần 25m, Tượng được thiết kế hai mặt: Một mặt trước hướng về Việt Nam và cũng là cổng chùa Linh Ẩn, một mặt hướng về nước bạn Campuchia; Tham quan cầu Long Bình - Chrey Thom cây cầu của tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia. Từ đây quý khách có thể xuất cảnh sang nước bạn hoặc quay về theo tua du lịch của mình.

Đến với An Phú để được thưởng ngoạn một bức tranh thủy mặc mê đắm lòng người với non nước, mây trời, khám phá cuộc sống của những người dân tộc thiểu số và có những phút giây thanh tịnh, thư giãn với văn hóa tâm linh riêng có của nơi này. 

Để An Phú không chỉ là điểm đến

Mặc dù du lịch có bước phát triển nhưng theo nhiều chuyên gia, du lịch An Phú chỉ mới “khai sáng” vì giao thông trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, đường đi vào Búng Bình Thiên xe khách chưa thể vào được, người dân chủ yếu làm du lịch tự phát. Du lịch ở An Phú hiện chỉ mới dừng ở dạng tham quan, thưởng thức ẩm thực, chưa có các hoạt động, khu vực để vui chơi. Thực tế, lượng khách hằng năm đến đây tuy có tăng nhưng chưa cao, thời gian lưu trú không nhiều, nhất là số cơ sở lưu trú du lịch còn ít, chất lượng chưa đáp ứng so với yêu cầu. Ngoài ra, lực lượng lao động ngành du lịch phần lớn chưa qua đào tạo từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động du lịch của huyện nhà. 

UBND huyện xác định: An Phú có đầy đủ điều kiện để trở thành một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách. Đặc biệt Búng Bình Thiên “như một cô gái Chăm đang dậy thì”. Vì vậy, để phát triển xứng tầm phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hạ tầng tốt, nhân sự tốt, dịch vụ và sản phẩm tốt, kết nối tua... Quy hoạch phát triển du lịch không mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, dựa vào cộng đồng và huy động nguồn lực của cộng đồng để làm du lịch. Hiện tại, Quốc lộ 91c đã được nâng cấp, đường tỉnh 957 đã được đưa vào sử dụng, trong nhiệm kỳ tới huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng. Tại các địa phương có điểm du lịch thu hút du khách như các huyện: Xóm Chăm Đa Phước, làng khô mắm Khánh An, khu Kinh tế cửa khẩu Long Bình, Búng Bình Thiên… cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra điểm nhấn, đa dạng sản phẩm du lịch gắn với việc mỗi xã một sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp gắn với công nghệ cao, khái thác, nuôi trồng thủy sản mùa nước nổi… Đặc biệt, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh thiết kế làng bè đa sắc màu trên sông Hậu tại địa phận xã Đa Phước, đưa vào khai thác sử dụng nhà Văn hóa Chăm, khôi phục làng nghề truyền thống… góp phần mang đến cho du khách những cảm nhận ấn tượng khi đến vùng đất đầu nguồn.

Đoàn Bình Lâm