Sản xuất nông nghiệp gắn với đập tràn kiểm soát lũ

 

Dự án WB9 được triển khai từ tháng 7 năm 2020, đến nay người dân đầu nguồn vùng lũ ở xã Phú Hữu, Vĩnh lộc và Vĩnh Hậu ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Hệ thống hạ tầng thủy lợi kết hợp với giao thông nội đồng phù hợp, tạo điều kiện người dân lưu thông dễ dàng trên các tuyến đê bao kiểm soát lũ ở kênh Bảy Xã, kênh Xáng, Bảy Trúc, kênh Vĩnh lộc, kênh Vĩnh Hậu và bờ Bắc kênh Vĩnh Lợi.

Dự án WB9 nét đẹp đầu nguồn lũ

Ông Nguyễn Văn Đua, xã Phú Hữu với mô hình trồng bưởi Năm Roi

Ông Nguyễn Văn Đua, xã Phú Hữu, trồng 270 gốc bưởi Năm Roi, với diện tích 0,75 ha (tương đương 7 công rưỡi đất ruộng). Những năm trước đây, diện tích đất này ông chỉ trồng được 2 vụ lúa là nước lũ đổ về, ngập hơn 1,5 m nước. Hiện nay, ông yên tâm sản xuất nhờ có đập tràn kiểm soát lũ và khoảng 3 tháng nữa, vườn bưởi Năm Roi nhà ông Đua bắt đầu thu hoạch những trái đầu vụ. Sản phẩm đang được 1 công ty ở Vĩnh Long bao tiêu.

Xã Vĩnh Lộc được dự án đầu tư trên 24km đường giao thông nội đồng, kết hợp với đập tràn kiểm soát lũ. Đến nay, bà con đi lại thuận tiện trong mùa lũ nhờ có 20km đường giao thông nội đồng, chỉ còn 1 tuyến giáp với xã Vĩnh Hậu đang thi công. Công trình này là một thay đổi rất lớn đối người dân nơi đây. Năm nay là năm đầu tiên mà người dân ở 3 xã bờ Đông huyện An Phú được lưu thông bằng xe gắn máy, học sinh đến trường khi băng qua cánh đồng mà không còn phải đưa rước bằng đò.  

Ông Nguyễn Ngọc Sanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Bình

Ông Nguyễn Ngọc Sanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Bình, xã Vĩnh Lộc phấn khởi nói: kể từ khi có con đường thuộc dự án WB9 này, người dân, học sinh đi lại dễ dàng, thuận tiện, vật tư nông nghiệp cũng được vận chuyển đến nơi.


Ông Đào Văn Phi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc

Về vấn đề này, ông Đào Văn Phi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết thêm: Trước đây khu vực này bị lũ chia cắt, không đi lại được, nhưng khi có con đường này thì đi lại dễ dàng, thuận tiện. Đây sẽ là điều kiện để địa phương phát triển kinh tế, xã hội trong những năm tiếp theo.

Trồng lúa trong mùa lũ nhờ đập tràn kiểm soát lũ

Mô hình trồng sen

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết: Hiện nay, trong dự án WB9, các mô hình sinh kế được ngành nông nghiệp huyện An Phú triển khai cho bà con nông dân ở xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc và Vĩnh Hậu như: Mô hình trồng lúa Đông Xuân gắn với nuôi thủy sản; trồng lúa Đông Xuân gắn với trồng Sen Hè Thu và khai thác thủy sản mùa lũ; mô hình chuyển đổi lúa sinh kế, giảm lúa 3 vụ,... nhằm giúp người dân thích ứng biến đổi khí hậu, để có những mô hình sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dự án WB9 là tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nguồn nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long tại huyện An Phú, dự án đầu tư hệ thống đê bao kiểm soát lũ với tống chiều dài hơn 50km, xây dựng 15 cống cấp và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các mô hình sinh kế với mức vốn đầu tư gần 692 tỷ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Hiện nay, dự án cơ bản đạt trên 80%. Mùa lũ năm nay, người dân trong vùng dự án rất hạnh phúc, yên tâm sản xuất nông nghiệp và bình yên lưu thông trên những con đường đê bằng bê tông uốn lượn. Công trình đập tràn kiểm soát lũ nối liền từ ruộng ra tận trung tâm xã. Khi lũ về, một bên con đường là nước mênh mông và một bên là sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra, nhân dân không còn cảnh sống trong bốn bề biển nước mỗi khi mùa lũ về.

Phóng sự, ảnh: Phan Tuấn