Thăm đồng bảo vệ diện tích lúa Đông Xuân

 

Trong ngày 15  và 16/02, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú tổ chức thăm đồng, kiểm tra tình hình sậu bệnh gây hại trên lúa, qua đó, khuyến cáo nông dân có những giải pháp phòng trừ kịp thời, bảo vệ năng suất lúa vụ Đông Xuân.

Thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa

Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện An Phú có trên 14.100ha lúa. Hiện lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển khá tốt. Trong đó, lúa đang ngậm sữa khoảng 3.654ha; đang làm đòng đến trổ trên 3.100ha và từ trổ đến chín 7.249ha. Qua thăm đồng, hiện trên các trà lúa có 5 đối tượng gây hại gồm: rầy nâu, rầy phấn trắng, muỗi hành, bệnh đạo ôn và bệnh vàng lá chín sớm,...giống nhiễm dịch hại nhiều nhất là Đài Thơm 8, OM18, Cửu Long 555, nhưng mức độ gây hại không cao.

Kiểm tra mật độ rầy nâu xuất hiện trên lúa

Theo dự báo của ngành chuyên môn, từ nay đến ngày 29/02, rầy nâu sẽ nở rộ và nhân mật số phát triển, gây hại trên trà lúa ngậm sữa, lúa làm đòng đến trổ, cục bộ ở các xã thị trấn như: Đa Phước, An Phú, Phước Hưng, Quốc Thái, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Trường và 1 phần Phú Hữu. Bên cạnh, rầy phấn trắng cũng xuất hiện gây hại đến cuối vụ. Ngoài ra, nông dân cũng cần lưu ý bệnh đạo ôn và vàng lá chín sớm xảy ra ở những ruộng cặp bờ rào, ruộng bón thừa phân đạm.

Nông dân chủ động phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh

Để phòng trừ sâu bệnh gây hại, bảo vệ năng suất lúa Đông Xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phòng trị hiệu quả; thực hiện bón phân cân đối theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tránh bón thừa phân đạm; áp dụng các biện pháp canh tác theo chương trình 1 phải 5 giảm, IPM, SRP; không phun thuốc trừ sâu, rầy khi mật độ còn thấp, không ảnh hưởng lớn đến cây lúa; trong trường hợp phải phun thuốc thì cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, “Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách”./.

Tin, ảnh: Thế Anh