Tổng kết mô hình 1 phải 6 giảm trong canh tác lúa tại xã Quốc Thái

 

Sáng 05/12, Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú tổng kết mô hình 1 phải 6 giảm trong canh tác lúa tại ấp Quốc Hưng, xã Quốc Thái. Đây là mô hình thứ 2 được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện theo Nghị định 62 cuả Chính Phủ.

Ông Nguyễn Văn Khang, cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú báo cáo kết quả mô hình 1 phải 6 giảm

Báo cáo kết quả thực hiện mô hình 1 phải 6 giảm, hay còn gọi là sản xuất lúa cacbon thấp, ông Nguyễn Văn Khang, cán bộ Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú cho biết: Mô hình được triển khai thực hiện thí điểm trên diện tích 5ha của nông dân Nguyễn Văn Khôn, ấp Quốc Hưng, xã Quốc Thái.

Thực hiện mô hình này, ông Khôn chọn giống xác nhận OM18 để gieo sạ và áp dụng sạ thưa với số lượng 120kg/ha, so với ruộng đối chứng là 180kg/ha. Trong suốt quá trình canh tác, ông sử dụng 3 lần phân bón lá với số lượng 440kg và 3 lần phun thuốc trừ bệnh, áp dụng tưới nước tiết kiệm, đặc biệt, không sử dụng thuốc trừ sâu rầy. So với ruộng đối chứng sử dụng 490kg phân, phun 5 lần thuốc trừ bệnh và 3 lần thuốc trừ sâu rầy. Về năng suất giữa ruộng mô hình và ruộng đối chứng ước đạt khoảng 6 tấn/ha.

Nông dân tham quan ruộng lúa áp dụng 1 phải 6 giảm

Qua đánh giá cho thấy, sản xuất lúa theo mô hình 1 phải 6 giảm chi phí đầu tư thấp hơn so với sản xuất thông thường. Vì giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc phòng trừ sâu, rầy, lượng nước tưới,...từ đó, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng trên 6 triệu đồng/ha.

Nông dân phấn khởi vì hiệu quả mô hình mang lại

Tại buổi tổng kết mô hình 1 phải 6 giảm, hầu hết nông dân đều phấn khởi với kết quả của mô hình mang lại. Đồng thời, cho rằng mô hình 1 phải 6 giảm rất phù hợp trong thời buổi giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao. Trước mô hình này, nhiều nông dân đã mạnh dạng giảm giống gieo sạ, lượng nước tưới và không phun thuốc trừ sâu rầy suốt vụ mà năng suất vẫn đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú phát biểu

Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú cho biết: Mô hình 1 phải 6 giảm rất cần thiết trong canh tác lúa hiện nay. Vì không những tăng năng suất, tăng lợi nhuận, tăng chất lượng, tạo ra sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo xuất khẩu, mà còn góp phần giảm lượng khí phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Do đó, trong xu thế hiện nay, ông mong rằng, nông dân cần áp dụng và nhân rộng mô hình 1 phải 6 giảm. Đồng thời, trong quá trình canh tác cần liên kết sản xuất, ký kết tiêu thụ để hướng đến sản xuất ổn định và bền vững hơn./.

Tin, ảnh: Thế Anh