Ô nhiễm môi trường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng nguyên nhân chính là do sự tác động của con người, mà cụ thể là do ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của mỗi người chưa cao. Việc vứt rác thải trong sinh hoạt, trong chăn nuôi không đúng nơi quy định; vứt xác động vật, gia súc, gia cầm xuống sông, kênh rạch; đổ nước thải ra đường, vỉa hè,... những hành động tưởng chừng như vô hại này nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, sức khỏe của mỗi người. Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp, an toàn là trách nhiệm của mỗi người.
Dọn dẹp vệ sinh bảo vệ môi trường
Cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao, tuy nhiên, đối lập với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc vứt rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe của mỗi người dân.
Trong những năm qua, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường luôn được UBND huyện An Phú chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động thực hiện. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Phú: Để nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh môi trường, từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp với các địa phương, tổ chức được 8 cuộc hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà và tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa cho 1.200 người dân xã Quốc Thái, Khánh Bình và 11 cuộc cho 880 hộ dân ở các xã còn lại.
Đồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Phú còn phối hợp tuyên truyền được 6 cuộc trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã về công tác vệ sinh môi trường và lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình. Ngoài ra, các xã thị trấn, nhất là xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, tuyên truyền hộ dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Qua thực hiện, nhìn chung nhiều hộ dân đã nâng cao được ý thức, cùng chung tay bảo vệ môi trường, làm hàng rào cây xanh, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hộ dân dửng dưng trước hành động bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân. Nhiều hộ dân vứt rác một cách thiếu ý thức xuống sông, kênh và ra đường. Phần lớn, tình trạng trên còn khá phổ biến ở vùng nông thôn. Đa số người dân nghĩ rằng, những nơi công cộng không phải nhà mình, thì việc gì phải mất công giữ gìn, đã có đơn vị thu gom rác. Thậm chí, một số ít hộ dân sợ tốn kém 20 đến 30 ngàn tiền thu gom rác một tháng mà mang rác qua nhà hàng xóm để nhờ; hay vẫn còn suy nghĩ một cách thiển cận rằng, thải xuống sông thì sông cuốn đi, không tồn đọng nơi mình ở là được.
Nâng cao ý thức người dân chung tay làm cho môi trường trong sạch hơn
Theo ngành chuyên môn, rác xả bừa bãi liên tục và ngày càng nhiều, nếu không được thu dọn sẽ bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước. Người dân chẳng may sử dụng phải nguồn nước này hay sống gần những bãi rác sẽ dễ mắc các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da, đau mắt hột, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp,...đã có những trường hợp đã tử vong vì bị tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn từ nguồn nước.
Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm việc đảm bảo vệ sinh môi trường, pháp luật cũng có những quy định chế tài, xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, cụ thể: Đối với việc vứt rác không đúng nơi quy định, nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng; vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị cũng bị phạt từ 5 -7 triệu đồng. Đối với hành vi không quét dọn rác, khai thông cống rãnh xung quanh nhà gây mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng. Tương tự, mức phạt này còn áp dụng đối với hành vi đổ nước hoặc để nước thải chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè làm mất vệ sinh chung. Ngoài ra, còn rất nhiều hình thức xử phạt khác liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Vì vậy, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, thay đổi hành vi ngay từ bây giờ bằng các hành động như: tự dọn dẹp, thu gom rác và vệ sinh xung quanh nhà; không xả rác bừa bãi,...để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đồng thời tạo nên một môi trường xanh - sạch - đẹp./.
Bài, ảnh: Thế Anh