Danh hiệu Phụ nữ hai giỏi: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là niềm tự hào, tôn vinh giá trị của mỗi hội viên phụ nữ. Do đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Phú và các xã, thị trấn luôn triển khai, thực hiện tốt phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tiêu biểu có chị Ma Ly Dâm, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ khóm Hà Bao II, thị trấn Đa Phước.

Chị Ma Ly Dâm tuyên truyền phụ nữ Chăm thực hiện “5 không 3 sạch”
Chị Ma Ly Dâm sinh năm 1988, dân tộc Chăm khóm Hà Bao II, thị trấn Đa Phước. Với vai trò Chi hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ khóm Hà Bao II, chị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đa Phước giao. Tuy là phụ nữ đồng bào dân tộc Chăm, nhưng với sự đam mê, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, chị Ma Ly Dâm đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và nỗ lực hết mình cho công việc. Đặc biệt, chị luôn gắn bó, gần gũi với chị em hội viên, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chị em thực hiện tốt phong trào công tác hội, nhất là phong trào “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”.
Chị Ma Ly Dâm đã kết nối, thành lập được 1 Tổ phụ nữ dân tộc Chăm “Hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần” có 30 chị tham gia; 01 Tổ “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt làng bè” có 76 thành viên; 01 Tổ phụ nữ “Không để lu hủ lấn chiếm hành lang, vỉa hè, không vứt rác bừa bãi” có 25 thành viên. Nhờ làm tốt công tác này, bà con dân tộc chăm đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà cửa khang trang, sạch đẹp hơn.

Chị Ma Ly Dâm (bìa trái) hướng dẫn đính hạt cườm trang phục truyền thống đồng bào Chăm
Chưa dừng lại ở đó, chị Ma Ly Dâm cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu phát triển kinh tế của chị em Hội viên, từ đó định hướng giúp chị em có việc làm ổn định tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Bằng nghề may, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dận Chăm, chị Ma Ly Dâm kết nối các thành viên thành lập tổ may các mặt hàng thổ cẩm, cung cấp cho khách du lịch, không những tăng thu nhập cho gia đình, mà còn gắn kết phát triển làng nghề ổn định. Bên cạnh, chị còn tận tình chỉ dạy cho các thiếu nữ chăm may, thêu, đính hạt cườm,…để có tay nghề, tự tạo ra sản phẩm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Em Sa Ky Roh cho biết: “Nhờ chị Ma Ly Dâm hướng dẫn may, đính hạt cườm mà em có việc làm, có thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày, đủ chi tiêu hàng ngày và phụ giúp gia đình”.

Hướng dẫn phụ nữ Chăm may sản phẩm truyền thống dân tộc Chăm
Không những giúp đỡ đào tạo nghề, chị Ma Ly Dâm còn vận động chị em dân tộc Chăm thành lập 04 tổ góp vốn xoay vòng với 213 chị tham gia để giúp hội viên có điều kiện làm ăn, mua bán, chăn nuôi ổn định cuộc sống. Tính đến nay, chị đã giúp được 144 hội viên phụ nữ dân tộc Chăm với tổng số tiền xoay vòng hơn 2 tỷ 250 triệu đồng.
Nói về vay trò, uy tín của chị Ma Ly Dâm đối với hội viên phụ nữ dân tộc Chăm, chị Ây Séh cho biết: “Chị Ma Ly Dâm thường xuyên gặp gỡ và tuyên truyền cho chị em phụ nữ biết được “5 không 3 sạch”, đặc biệt, hỗ trợ chị em vay vốn làm ăn, mua bán ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học, không để con em bỏ học giữa chừng”.

Chị Nguyễn Thị Bạch Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đa Phước (bìa trái) và Chị Ma Ly Dâm (bìa phải) tại tổ góp vốn xoay vòng
Mặc dù công việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, nhưng chị Ma Ly Dâm vẫn luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm chu đáo cho gia đình. Chị chăm sóc từng bữa ăn, quan tâm tới cảm xúc của từng thành viên và giữ gìn nếp sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Sự đảm đang và tận tụy của chị là nguồn động lực để các thành viên trong gia đình cảm thấy an tâm, yêu thương và gắn kết hơn. Chị Ma Ly Dâm nói:“Để đảm bảo hài hoà giữa việc nước và việc nhà, tôi luôn sắp xếp thời gian hợp lý trong từng công việc. Đặc biệt, tôi luôn nhận được sự sẻ chia, đồng cảm từ các thành viên trong gia đình”.
Chị Nguyễn Thị Bạch Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Đa Phước cho biết: Cái khó nhất của người phụ nữ là cân bằng được hai vai trò, đó là gia đình và công việc, nhưng đối với chị Ma Ly Dâm đã làm rất tốt điều này. Với nhiều nỗ lực, sự tận tâm trong công việc và gia đình, chị Ma Ly Dâm đã góp phần thể hiện được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Chị Nguyễn Thị Bạch Lê cho biết: “Mặc dù là đồng bào dân tộc Chăm nhưng chị Ma Ly Dâm luôn nhiệt tình, năng nỗ trong phong trào công tác hội. Chị luôn thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ, tạo điều kiện để phụ nữ Chăm nâng cao hiểu biết, tích cực làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Trong gia đình, chị là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, đảm đang, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”.

Chị Ma Ly Dâm chăm chút bữa cơm gia đình
Với những đóng góp tích cực từ Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” chị Ma Ly Dâm được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Những thành tích mà chị đạt được trong suốt quá trình công tác, không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của cá nhân, mà còn là sự động viên, niềm tự hào, tôn vinh giá trị của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới./.
Ghi nhận, ảnh: Thế Anh