Đờn ca tài tử - nét đẹp trong văn hóa tinh thần của người dân huyện đầu nguồn An Phú

 

Từ lâu, Đờn ca tài tử đã là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tinh thần và di sản văn hóa của người dân Nam Bộ. Có thể thấy, trên địa bàn huyện An Phú thời gian qua, phong trào đờn ca tài tử được duy trì. Các câu lạc bộ, các nhóm Đờn ca tài tử luôn có sức sống mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, làm phong phú thêm phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng như nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác, đờn ca tài tử cũng bắt nguồn từ cuộc sống đời thường, nhờ đó mà nó mộc mạc, gần gũi, dễ gây cảm xúc cho người nghe. Nét đẹp trong đờn ca tài tử là ngoài những thanh âm của phím đờn, còn có những lời ca của các tài tử nam, nữ. Một bài hát hay, mượt mà là một bài hát có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý của cả tài tử đờn và tài tử ca.  

Tài tử đờn và tài tử ca kết hợp rất nhịp nhàng, ăn ý tạo nên những làn điệu dân ca gần gũi, ngọt ngào, sâu lắng

Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 50 câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các xã, thị trấn với hàng trăm thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Hầu hết thành viên các câu lạc bộ, các nhóm Đờn ca tài tử đến với loại hình văn nghệ này chủ yếu xuất phát từ niềm đam mê.    

Tài tử ca, La Văn Suôl, ấp Phước Thạnh, xã Phước Hưng rất đam mê Đờn ca tài tử

Tài tử ca, La Văn Suôl, ấp Phước Thạnh, xã Phước Hưng tâm tình: “Ai cũng có sở thích riêng và chúng tôi thì yêu thích Đờn ca tài tử, nên tập trung lại đờn ca với nhau, nghe được những lời ca tiếng hát về Bác Hồ, quê hương, đất nước,…tâm trạng cảm thấy rất thoải mái, êm dịu sau những ngày lao động vất vả. Đây cũng là nét đẹp mà anh, chị, em muốn gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Lúc đầu chỉ vài người tham gia với chúng tôi, sau đó, ngày càng có nhiều người đến với câu lạc bộ. Bà con ở đây cũng rất thích xem các tài tử câu lạc bộ biểu diễn”.

Giao lưu Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện và các xã, thị trấn

Định kỳ hàng tháng, các tài tử ca, tài tử đờn lại gặp nhau ở “máu” mê ca hát, muốn sống với đam mê sau những ngày lao động mệt nhọc. Những lời ca tiếng hát, từng giai điệu phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Vì thế, các tài tử luôn cháy hết mình trong từng điệu đờn, lời ca, trong từng cung bậc của các bản Bắc, Nam, Hạ, Oán, vọng cổ và hòa tấu; đem lại cho người xem, người nghe nhiều cảm xúc dạt dào. Dần dần, hoạt động các câu lạc bộ, các nhóm Đờn ca tài tử trên địa bàn huyện trở thành phong trào văn hóa, văn nghệ không thể thiếu trong khóm, ấp, là món ăn tinh thần của bà con, qua đó, tạo nét sinh hoạt văn hóa văn nghệ lành mạnh trong cộng đồng, góp phần duy trì và phát huy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sự gắn bó với loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Ông Lê Thành Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hưng nói về loại hình đặc sắc này

Nói về loại hình đặc sắc này, ông Lê Thành Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hưng cho biết: “Ngoài sinh hoạt giải trí sau những ngày lao động vất vả, Đờn ca tài tử còn là món ăn tinh thần, tạo nét sinh hoạt văn hóa văn nghệ lành mạnh trong cộng đồng. Đến với Đờn ca tài tử, các thành viên có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết. Thời gian tới, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phước Hưng sẽ tiếp tục duy trì, khuyến khích nhiều thành viên tham gia để câu lạc bộ xã ngày càng phát triển bền vững”.

Giao lưu Đờn ca tài tử nhân Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2023)

Hàng năm, các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử đã tham gia nhiều đêm diễn do trung tâm văn hóa, thể thao huyện tổ chức, biểu diễn phục vụ các buổi giao lưu với các đơn vị bạn. Các ngày lễ, tết, các câu lạc bộ còn đại diện cho địa phương tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan do các cấp, các ngành tổ chức và đạt nhiều giải thưởng cao. Song song đó, các tài tử ca, tài tử đờn cũng góp phần cho công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ở địa phương.

Bà Quách Thị Bích Sơn, Tổ trưởng văn hóa  văn nghệ, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện nói về hoạt động của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử

Bà Quách Thị Bích Sơn, Tổ trưởng văn hóa văn nghệ, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện cho biết: “Những người cùng đam mê tập hợp lại, rồi thành lập câu lạc bộ đờn ca. Bất kể trời nắng hay mưa, cứ đến ngày sinh hoạt câu lạc bộ là các tài tử lại gặp gỡ, giao lưu với nhau. Không chỉ giao lưu về ca hát mà các thành viên còn chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm về cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh. Thỉnh thoảng, Câu lạc bộ lại giao lưu với các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ngoài địa phương, đi phục vụ đám tiệc. Đặc biệt, đến với câu lạc bộ, ai cũng vui, cùng nhau trao đổi, truyền nghề cho nhau. Mọi người đờn ca một cách thoải mái, biểu diễn vô tư, ai biết bao nhiêu thì ca bấy nhiêu, hay - dở cũng không thành vấn đề, chủ yếu là thưởng thức và hưởng thụ văn hóa tinh thần”.

Bà Quách Thị Bích Sơn, Tổ trưởng văn hóa văn nghệ, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện mong muốn thời gian tới, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện nhà tiếp tục được củng cố, nâng chất, phát triển thêm các câu lạc bộ mới, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam bộ.

Giao lưu Đờn ca tài tử các xã, thị trấn thu hút đông đảo người dân đến xem

Phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn huyện An Phú thời gian qua có bước phát triển tốt, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn huyện; đóng góp không nhỏ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, tin rằng phong trào đờn ca tài tử tại huyện sẽ ngày càng sôi nổi và phong phú hơn.

Có thể thấy rằng, trong cuộc sống hiện đại, mọi thứ đều đổi thay liên tục theo nhịp sống, nhưng Đờn ca tài tử vẫn lan tỏa khắp các dòng sông, trên các chuyến đò, sân đình, ngõ hẻm,…vì thế, không khó để người ta thưởng thức những làn điệu dân ca khi đến với vùng sông nước đầu nguồn An Phú. Ở bất cứ đâu, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe văng vẳng một câu hò xưa vọng lại, đôi câu đờn ca tài tử vang lên, nét mộc mạc, giản dị của đàn tính và giọng hát mặn mà, tha thiết của tài tử luôn vang vọng một cách bất hủ, trở thành một nét văn hóa đặc trưng, một nếp sinh hoạt thường ngày của người dân miền sông nước An Phú.

Phóng sự, ảnh: Ngọc Cẩm – Nghĩa Thanh – Văn Nghị