Đọc sách là cách giúp con người thư giãn nhưng vẫn tích luỹ được kiến thức, tăng khả năng tư duy. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương nhằm thúc đẩy văn hoá đọc trong cộng đồng, cải thiện tri thức. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, thời gian qua Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, sách vở, góp phần phát triển tri thức toàn diện.
Đọc sách vốn là một truyền thống văn hóa đẹp đã có từ lâu đời nay, các bậc tiền nhân đã có thói quen đọc sách, yêu quý sách. Cụ Cao Bá Quát từng nói: “Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm”; hay như nhà văn, triết gia người Pháp Voltaire, đúc kết: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. Trước khi có các phương tiện nghe - nhìn, sách là con đường lớn nhất dẫn dắt con người tiếp cận thông tin, văn hóa, giải trí, giúp chúng ta lĩnh hội nhiều nguồn tri thức khác nhau để từ đó học hỏi, áp dụng vào đời sống thực tiễn của chính mình.
Thế nhưng hiện nay, một thực tế đáng lo ngại là phần lớn người dân dường như có vẻ lãnh đạm, thờ ơ với văn hóa đọc nói chung, đọc sách nói riêng. Theo số liệu thống kê gần đây của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện, từ năm 2014 đến năm 2024, số bạn đọc sách tại thư viện giảm đáng kể. Cụ thể năm 2014 có trên 8.900 lượt bạn đọc, đến năm 2019 chỉ còn 3.000 lượt bạn đọc và từ đầu năm 2024 chỉ còn trên 1.100 lượt bạn đọc.
Tình trạng lười đọc diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, với giới trẻ, việc đọc sách càng có xu hướng giảm mạnh. Sau khi Internet ra đời đến nay đã làm mai một khá nhanh phương thức đọc truyền thống, con người đang chuyển dịch từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe - nhìn. Một chiếc điện thoại thông minh trong tay, vừa có thể nghe nhạc, xem phim, chơi game, đọc báo, rõ ràng là tối ưu hơn hẳn một cuốn sách cồng kềnh.
Thói quen, kỹ năng đọc của độc giả, nhất là số độc giả trẻ chưa được định hướng một cách cụ thể, bài bản. Trước sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe - nhìn cũng làm thay đổi thói quen đọc của người Việt. Độc giả đang có xu hướng đọc nhanh hơn, đọc mỏng hơn, hoặc thích đọc trên mạng Internet, trên điện thoại di động hơn là đọc trong sách.
Trưng bày, giới thiệu sách trong trường học hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Học sinh thi thiết kế bìa sách hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Nhằm nhân lên tình yêu với văn hoá đọc, cải thiện tri thức trong cộng đồng, tháng 4 hàng năm, hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích đọc như, tuyên truyền về ý nghĩa ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với con người; trưng bày, giới thiệu sách, tổ chức cuộc thi thiết kế bìa sách ở một số điểm trường THCS trên địa bàn… Cụ thể, giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú: các câu chuyện kể về Bác Hồ, Bác Tôn, những sự kiện lịch sử Việt Nam; những cuốn sách hay về kỹ năng sống bổ ích; các câu chuyện cổ tích nói về tình cảm thầy cô, cha mẹ, bạn bè,... nhằm xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của học sinh thông qua “Sách với nhà trường, giúp các em tiếp cận với nhiều loại sách, tìm được niềm vui trong đọc sách và hình thành thói quen đọc sách để mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho các em. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện cũng có thư viện, với 17.287 đầu sách phục vụ bạn đọc ở các lĩnh vực đời sống xã hội.
Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, để cải thiện tri thức, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện nhấn mạnh: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc; đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc trong thư viện, nhà trường, cơ quan, tổ chức, các thư viện chú trọng hướng dẫn kỹ năng và phương pháp phát triển năng lực thông tin đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng đối tượng học sinh; có định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong xã hội; huy động sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc và tăng cường vai trò của gia đình trong phát triển văn hóa đọc”.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Bài, ảnh: Ngọc Cẩm