Vừa qua, Đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang do ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Giám đốc làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025 tại xã Nhơn Hội; tiếp và làm việc với đoàn có lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú, cùng lãnh đạọ chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (bên phải) nắm tình hình lớp học xóa mù chữ với Ban giáo cả Tiểu Thánh đường Chăm
Tại buổi giám sát, đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang kiểm tra công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện về công tác xóa mù chữ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện; công tác tham mưu và triển khai thực hiện xóa mùa chữ của Trung tâm học tập cộng đồng xã; đánh giá học viên xóa mù chữ theo Thông tư 10/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc thực hiện hồ sơ và các quy định liên quan đến công tác xóa mù chữ; đồng thời khảo sát thực tế tại các lớp xóa mù chữ.

Ông Nguyễn Quốc Khanh thăm hỏi tình hình học tập của các học viên tham gia lớp xóa mù chữ tại Thánh đường Khay Ri Yah
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, xã Nhơn Hội mở 3 lớp xóa mù chữ tại 2 điểm gồm: Thánh đường Khay Ri Yah và Tiểu Thánh đường Nou Ri Dil cho đồng bào dân tộc Chăm, trong độ tuổi từ 15 đến 60; thời gian học từ 16h – 19h hằng ngày.

Kiểm tra chữ viết của học viên tham gia lớp học xóa mù chữ
Qua khảo sát thực tế, số lượng học viên đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn xã tham gia học kỳ III, giai đoạn 1 tương đối đảm bảo số lượng. Cùng với đó, Ban Giáo cả Thánh đường và Tiểu Thánh đường rất quan tâm hỗ trợ học viên và giáo viên. Học viên đi học đúng giờ, hợp tác tốt cùng giáo viên, luôn tích cực hỗ trợ nhau trong học tập, cố gắng hăng say trong luyện viết, luyện đọc và tính toán, không ngại khó.

Tặng quà cho các học viên
Thông qua buổi giám sát nhằm giúp ngành giáo dục kịp thời nắm bắt những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tổ chức lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thúy Hằng