Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi. Hậu quả của loại tội phạm này không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn để lại nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Hình minh họa

Ngày 14/7/2025, Công an xã An Phú đã tiếp nhận, xác minh và làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội với thủ đoạn giả danh công an gọi điện đe dọa học sinh có liên quan đến đường dây rửa tiền.

Cụ thể, khoảng 09 giờ ngày 14/7/2025, em L.K.N (sinh năm 2007, ngụ ấp An Hưng, xã An Phú) xin mẹ ruột là chị N.T.H.N 200.000 đồng đi uống cà phê, sau đó điều khiển xe máy rời khỏi nhà. Đến khoảng 10 giờ, chị H.N nhận được tin nhắn Zalo của K.N và hai cuộc gọi từ số điện thoại lạ, yêu cầu chuyển 250 triệu đồng với lý do K.N đang bị bắt giữ vì vay nợ. Nghi ngờ con bị bắt cóc, chị H.N nhanh chóng trình báo Công an xã An Phú.

Tiếp nhận tin báo, Công an xã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, truy tìm K.N. Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện K.N thuê phòng tại nhà nghỉ T.T thuộc ấp An Hưng, xã An Phú. Tại đây, K.N đang sử dụng điện thoại, máy tính kết nối phần mềm Zoom với các đối tượng lừa đảo. Khi bị phát hiện, các đối tượng lập tức ngắt kết nối. Công an xã An Phú tiến hành kiểm tra hành chính và đưa K.N về trụ sở làm việc.

Tại cơ quan công an, K.N khai nhận, khoảng 8 giờ cùng ngày đã nhận được cuộc gọi từ một người lạ tự xưng là Công an ở Hải Phòng, thông báo K.N liên quan đến vụ rửa tiền, đồng thời đe dọa nếu tiết lộ sẽ bị xử phạt từ 5 - 7 năm tù và phạt tiền 100 triệu đồng.

Đối tượng yêu cầu K.N thuê nhà nghỉ, kết nối Zoom và gửi các hình ảnh, văn bản giả mạo liên quan đến vụ rửa tiền, sau đó hướng dẫn K.N nhắn tin cho mẹ (chị H.N), giả vờ thú nhận vay tiền, yêu cầu chuyển 250 triệu đồng để trả nợ và không được báo công an. Sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng của K.N và thấy không có tiền, đối tượng yêu cầu K.N chờ “lập hồ sơ”. Ngay lúc này, Công an xã An Phú kịp thời kiểm tra nhà nghỉ, phát hiện và ngăn chặn vụ việc.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhu cầu sử dụng mạng xã hội, truy cập internet và tương tác trên không gian số ngày càng trở nên phổ biến và cần thiết đối với người dân, song từ đó nguy cơ mất an toàn thông tin, rơi vào bẫy lừa đảo cũng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi “kịch bản”, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, gây thiệt hại lớn về tài sản, tạo tâm lý hoang mang, bức xúc trong Nhân dân.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và xã An Phú nói riêng đã ghi nhận nhiều trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. Một số nạn nhân do thiếu cảnh giác hoặc quá lo sợ trước lời đe dọa từ các đối tượng lừa đảo nên không trình báo kịp thời với cơ quan chức năng, mà tự ý chuyển tiền theo yêu cầu, đến khi phát hiện bị lừa thì tài sản đã bị chiếm đoạt. Cũng có một số trường hợp người bị hại do không thể xoay đủ số tiền theo yêu cầu hoặc quá lo lắng cho an toàn người thân đã chủ động đến cơ quan công an trình báo. Nhờ sự vào cuộc kịp thời, lực lượng chức năng đã xác minh, làm rõ sự việc, không để xảy ra thiệt hại về người và tài  sản.

Trước diễn biến phức tạp trên, Công an xã An Phú khuyến cáo người dân tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh riêng tư, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc nghe theo lời mời gọi đầu tư, làm ăn từ các đối tượng mới quen biết trên mạng xã hội; không chuyển tiền, không cung cấp mã OTP hoặc tải app theo hướng dẫn trên điện thoại; tăng cường cảnh giác, nếu nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo phải báo ngay cho công an địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật;…

Phương Trình