Văn hóa - văn nghệ là "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân, nhất là đờn ca tài tử - một loại hình nghệ thuật được đông đảo bà con Nhân dân yêu mến nói chung và những người đam mê ca tài tử ở xã Phước Hưng nói riêng. Như chúng ta đều biết, đã từ lâu loại hình đờn ca tài tử là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Nam bộ. Lúc đầu, chỉ là thú vui chơi giải trí của một nhóm người trong một không gian khiêm nhường như trước nhà, ngoài vườn, trong chòi lá hoặc trên ghe thuyền,… lâu dần được đưa vào biểu diễn nơi trang trọng như đình làng, trong dịp ngày giỗ, tết, cưới hỏi, liên hoan, tiệc tùng.Thành viên câu lạc bộ đang thể hiện giọng ca của mình Sân khấu đờn ca tài tử không có gì hoành tráng, cầu kỳ, ngay cả đạo cụ, ánh sáng, âm thanh, trang phục cũng bình dị. Nam thường mặc áo nông dân hoặc đồ bộ đội, nữ áo bà ba, khăn rằn. Vấn đề quan trọng là tâm hồn và tình cảm. Chỉ cần ngồi với nhau, uống vài ly rượu đế, ca vài câu bộc lộ cảm xúc là trở thành tri kỉ. Sức sống bền vững của đờn ca tài tử là ở đó. Phong trào đờn ca tài tử ở một xã, ấp mạnh hay yếu trước hết là có nhiều người tự nguyện, đam mê, kế đến là sự quan tâm, cổ vũ của các ban, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương. Điển hình như xã Phước Hưng, một xã chuẩn bị được công nhận xã nông thôn mới, của huyện An Phú. Lúc đầu, chỉ có vài ba nhóm đờn ca tài tử hoạt động theo phong trào, nay xã đã xây dựng được câu lạc bộ thường xuyên giao lưu với nhau. Câu lạc bộ đờn ca tài tử của xã Phước Hưng được thành lập năm 2019 đến nay với 20 thành viên có Ban Chủ nhiệm; trong đó, ông Lê Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, các thành viên đa dạng về độ tuổi từ các bạn thanh niên tuổi 20 đến các cụ trên 70 tuổi. Thành viên câu lạc bộ đang thể hiện giọng ca của mình Chị Thu Nguyệt và chồng là anh Đang Cường (cùng ngụ xã Phước Hưng) cho biết cả hai vợ chồng đều yêu thích cổ nhạc. Chị bắt đầu hát từ năm 19 tuổi, năm nay đã 54 tuổi mà vẫn còn say mê. Chị tâm sự, mỗi lần hát xong được bạn bè cổ vũ, trong lòng cảm thấy lâng lâng, vui sướng lạ kỳ.Ông Cường còn cho biết cả xóm đều yêu thích cổ nhạc và đa số đều biết ca. Tuy không được đào tạo từ trường lớp chính quy hoặc ngắn hạn nhưng đa phần các thành viên câu lạc bộ đều thuộc các bài Bắc, Nam, Oán, bản vắn trong thể loại cải lương, phổ biến nhất là sáu câu vọng cổ.Các chú nhạc công trong Câu lạc bộÔng Lê Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phấn khởi cho biết chính quyền xã thường xuyên tổ chức cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử giao lưu, coi đây là hoạt động bổ ích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở xã nông thôn mới.Ông Nguyễn Văn Đàn - công chức văn hóa xã hội xã Phước Hưng cho biết từ ngày UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể, chính quyền đã tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt, vui chơi giải trí, qua đó giúp bà con gần gũi hơn, sống có tình có nghĩa, chan hòa, đồng thời cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm mùa vụ.Có thể khẳng định, bên cạnh những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa, an ninh quốc phòng, phong trào văn hóa văn nghệ nhất là phong trào đờn ca tài tử, hát với nhau cũng đã góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị quan trọng xây dựng xã nông thôn mới. Có được kết quả như hôm nay ngoài sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bà con Nhân dân trên địa bàn xã còn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và chính quyền xã Phước Hưng. Hy vong trong thời gian tới, phong trào đờn ca tài tử nói riêng và phong trào văn hóa văn nghệ của xã Phước Hưng ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của bà con và là điểm sáng trong phong trào văn hóa văn nghệ của huyện biên giới An Phú.