An Phú chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

 

Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”, UBND huyện An Phú chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND 14 xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân, cũng như các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Căn nhà của 1 hộ dân xã Phú Hữu bị tốc mái trong trận mưa giông ngày 17/5 vừa qua (ảnh UBND Phú Hữu)

Sau thời gian nắng nóng kéo dài, cơn mưa đầu mùa vào chiều 17/5, kèm theo gió giật mạnh đã làm tốc mái 3 căn nhà của các hộ dân ở xã Quốc Thái, Phú Hữu và Vĩnh Hậu, ước tổng thiệt hại trên 62 triệu đồng. Điều này cho thấy, thời tiết mưa giông đầu mùa luôn diễn biến khó lường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, vào đầu tháng 6 sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa, tuy nhiên lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 đến tháng 10 mưa sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn này, tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Gió mùa Tây Nam sẽ hoạt động mạnh và có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn kèm theo gió giật, giông lốc diện rộng.

Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương” Chủ tịch UBND huyện An Phú đề nghị các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các xã, thị trấn chủ động xây dựng Kế hoạch ứng phó sát với tình hình thực tế ở địa phương, nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Trước mắt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông huyện chủ động tham mưu, đề xuất UBND huyện các phương án điều hành ứng phó với thiên tai; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phòng chống thiên tai trước mọi diễn biến, tình huống bất thường của thời tiết, đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt dự báo, tình hình, diễn biến của thời tiết để thông báo kịp thời cho nhân dân phòng, tránh. Nhất là, các biện pháp đảm bảo an toàn trong lúc diễn ra mưa lớn, giông lốc, gió giật mạnh.

Giàn bầu đang cho trái của nông dân bị sập trong trận giông ngày 17/5

Đối với các ngành và xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở chắc chắn; chủ động cắt tỉa cành, nhánh cây cao có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra các bảng hiệu, pa - nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn và các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo vững chắc; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai thường xảy ra trong mùa mưa bão như: áp thấp nhiệt đới, bão, giông, lốc, sét đánh,...nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cùng với đó, các địa phương và các ngành chuyên môn chủ động các phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, với phương châm 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, trong đó, ưu tiên lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ để triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân; đồng thời, tổ chức kịp thời các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục nhanh chóng, hiệu quả khi có tình huống, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.  

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, Phùng Thế Vinh cho biết: Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân và các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, tháo nước chống úng. Hiện đơn vị đang chủ động làm việc với Công ty khai thác Thủy lợi tỉnh An Giang để bàn giải pháp tháo nước chống úng bảo vệ diện tích lúa Hè Thu cho toàn vùng Nam mương Tám Sớm với 1.771ha.

Bên cạnh, các đơn vị, địa phương tham mưu, đề xuất UBND huyện xem xét phương án nạo vét mương Tám Sớm để tháo nước chống úng Tiểu vùng Nam mương Tám Sớm với diện tích 1.283ha; kiểm tra đề nghị đơn vị thi công các công trình trong Dự án WB9 khắc phục rò rỉ các cống hở, nhằm đảm bảo diện tích sản xuất của 3 xã bờ đông được thu hoạch trọn vẹn.

Việc chủ động các bước “Phòng từ sớm, tránh từ xa” là yếu tốt quan trọng nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, qua đó, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn huyện./.

Bài, ảnh: Thế Anh