An Phú tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

Ngày 13/10, Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện An Phú ban hành Công văn số 1189/UBND-VX về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Tại An Giang, tính đến tuần 39, số ca mắc tay chân miệng đã ghi nhận 2.593 ca, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021, chưa có trường hợp tử vong. Riêng huyện An Phú, tính đến tuần 41 đã ghi nhận 176 ca mắc tay chân miệng, tăng 113 ca so với cùng kỳ năm 2021.Để chủ động kiểm soát và hạn chế lây lan dịch bệnh tay chân miệng, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai một số nhiệm vụ sau:Huy động Nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tay chân miệng trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch; xử lý ổ dịch kịp thời tại khu vực ổ dịch; vận động cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi sạch cho trẻ.Kiểm tra công tác phòng chống dịch, công tác giám sát bệnh, vệ sinh phòng bệnh tại các điểm trông giữa trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học.Triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng; hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh, tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.