Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện An Phú luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng, nhằm bù đắp phần nào những mất mát cho các gia đình, đồng thời tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ cha ông đã cống hiến xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngay từ đầu năm, các ngành có liên quan, UBND các xã, thị trấn đã xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc gia đình chính sách như: lập kế hoạch vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp lễ tết, kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7,... Đây là hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa sâu sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tặng quà tết cho gia đình chính sách
Ðiểm nổi bật trong công tác chăm lo gia đình chính sách ở huyện An Phú thời gian qua, là thực hiện chi trả kịp thời các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thường xuyên hàng tháng cho 761 người có công với cách mạng, với số tiền 8 tỷ 325 triệu đồng. Bên cạnh đó, chăm lo tết cho gia đình có công là một phần không thể thiếu, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã kịp thời trao quà Tết cho 6.123 người có công, thân nhân người có công với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Thường trực Huyện ủy An Phú thăm, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu
Xuyên suốt quá trình thực hiện các chính sách đối với người có công và thân nhân người có công, huyện An Phú cũng luôn chú trọng vận động Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”, coi đây là nguồn lực để huyện thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa như: tu bổ Nhà bia ghi danh liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công, hoặc thân nhân người có công; thăm hỏi, hỗ trợ khi ốm đau, khám bệnh, chữa bệnh và trợ cấp mai táng phí, thờ cúng liệt sĩ,... Kết quả, từ đầu năm đến nay, huyện đã chi trợ cấp một lần mai táng phí và thờ cúng cho 57 thân nhân liệt sĩ, số tiền 813 triệu đồng; chi trợ cấp điều dưỡng tại gia đình cho 217 người có công với số tiền 402 triệu đồng; tổ chức đưa 41 người có công cách mạng đi điều dưỡng tại các điểm như: Đà Lạt, Đà Nẵng, Côn Đảo, Đắc Lắk, Ninh Bình, Bình Định; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có công cách mạng và thân nhân người có công đầy đủ theo quy định.
Đặc biệt, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện luôn quan tâm tổ chức đoàn đến thăm hỏi, trao tặng quà cho gia đình chính sách nhân các dịp lễ tết, Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, qua đó thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.
Lãnh đạo huyện viếng Nhà bia ghi tên liệt sĩ
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), các cấp, các ngành trong huyện An Phú đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhằm tiếp nối truyền thống và tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công các mạng, điển hình như: tăng cường vận động thêm các nguồn lực từ các cá nhân, doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ sửa chữa, cất mới nhà ở, trợ cấp đột xuất, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công; tổ chức thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng; tổ chức đưa người có công với cách mạng tiêu biểu của huyện đi hà nội viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức viếng nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện An Phú và viếng nghĩa trang liệt sĩ thị xã Tân Châu; phối hợp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện dâng hương và thấp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nhà bia ghi tên liệt sĩ,…thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.
Những kết quả đạt được từ công tác chăm lo cho các gia đình chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm tốt công tác này không chỉ thể hiện truyền thống dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Trong thời gian tới, huyện An Phú sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người dân nhận thức sâu sắc về sự hy sinh cao cả của gia đình chính sách, qua đó, tích cực tham gia các hoạt động chăm lo cho các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đồng thời thể hiện truyền thống “Ăn trái nhớ người trồng cây”, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đoàn kết, tương thân, tương ái, cần cù trong lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công, góp phần xây dựng quê hương An Phú ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: Ngọc Cẩm