Tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) chính là giải pháp tối ưu, trợ giúp người dân khi về già, khi không còn khả năng lao động. Nhờ chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhiều người dân, người lao động được hưởng lương hưu, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khám chữa bệnh. Điều này cho thấy, lợi ích rất lớn từ việc tham gia bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có vị trí, vai trò rất quan trọng, là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với người lao động phi chính thức. Tham gia BHXH tự nguyện, khi hết tuổi lao động người dân được hưởng lương hưu hằng tháng, an nhàn tuổi già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe.
Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đến tuổi nghỉ hưu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Tuyên truyền cho người dân về chính sách BHXH tự nguyện
Từ khi được tuyên truyền, giải thích về phương thức tham gia, các chế độ, chính sách được hưởng, ông Đoàn Phi Long, ngụ xã Khánh An tham gia bảo hiểm xã hội từ lúc còn là cán bộ UBND xã và duy trì đóng 20 năm. Nay về hưu, ông được hưởng lương hưu mỗi tháng trên 2,5 triệu đồng, khoảng tiền đủ để ông trang trải cuộc sống hàng ngày.
Đóng bảo hiểm để có lương hưu an nhàn tuổi già nên nhiều người như anh Đặng Văn Lợi, ngụ thị trấn An Phú quyết định không rút bảo hiểm xã hội một lần mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sau khi nghỉ việc ở công ty vào năm 2020, anh Lợi đã tham gia bảo hiểm xã hội được hơn 9 năm, và hiện nay anh tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ 20 năm.
Anh Nguyễn Văn Lợi chia sẻ: “BHXH tự nguyện là chính sách của Nhà nước, tôi rất yên tâm vì được hỗ trợ mức đóng. Bây giờ còn sức khỏe, còn đi làm kiếm tiền được nên đóng BHXH tự nguyện xem như để dành. Khi đóng đủ số năm và đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, cả hai vợ chồng đều có lương hàng tháng để chi tiêu, lúc đó, con cũng đỡ phải lo”.
BHXH tự nguyện được ví như “điểm tựa” cho những người lao động tự do khi về già. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thu nhập gia đình, người lao động có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp, có thể đóng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm và đóng một lần tối đa cho 10 năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí... Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần phí đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Giám đốc BHXH huyện cho biết: “BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt, giúp người tham gia, nhất là người lao động tự do có lương hưu bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động và được cấp thẻ BHYT hưu trí. Ngoài ra, tiền lương đóng BHXH tự nguyện được tính trượt giá khi tính lương hưu, lương hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình hàng năm của Chính phủ, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí. Có thể nói, đây là chỗ dựa tin cậy cho người lao động khi về già, vì có thu nhập cơ bản bảo đảm cuộc sống”.
Toàn huyện An Phú hiện có 618 người được quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu hằng tháng vơi tổng số tiền chi trả hằng tháng trên 3 tỷ 900 triệu đồng. Sự an nhàn khi về già của những người có lương hưu đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhiều người khi chủ động tham gia đóng bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bài, ảnh: Ngọc Cẩm