Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì giáo dục đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Thật vậy, mặc dù là ai, đang làm công việc gì thì cũng từng ngồi trên ghế nhà trường, từng nhận sự dẫn dắt của thầy cô giáo để vào đời. Và cho dù trải qua nhiều thăng trầm, những người thầy, người cô vẫn luôn âm thầm gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ để học trò trở thành những công dân có ích cho đất nước.
Không phải ngẫu nhiên nghề giáo được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Bởi lẽ “sản phẩm” mà các thầy cô tạo ra chính là nhân cách và trí tuệ con người, vì vậy, ở bất kỳ thời đại nào, nhà giáo luôn được xã hội tôn trọng.
Hiện nay, không ít ý kiến cho rằng nghề dạy học rất vất vả, thù lao chưa thật sự tương xứng với công sức thầy, cô giáo đã bỏ ra. Đặc biệt, ở bậc mầm non, lịch làm việc của một giáo viên luôn bắt đầu từ sáng sớm để đón trẻ và kết thúc lúc xế chiều khi đã trả trẻ an toàn cho gia đình. Đấy là chưa kể những công việc khác như: phải hoàn thành hồ sơ, sổ sách, tham gia hội họp, làm đồ dùng dạy học,... Khó khăn là vậy, nhưng trên thực tế, không thiếu những tấm lòng luôn giành tất cả vì học sinh thân yêu.
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn An Phú tạo sân chơi bổ ích cho trẻ trong lớp học
Cô giáo hướng dẫn trẻ tham gia hoạt động ngoài trời
Tâm sự về nghề gõ đầu trẻ, cô Phan Thị Yến Nhi, giáo viên Trường Mầm non thị trấn An Phú cho biết: “Lúc mới vào nghề vô cùng khó khăn, vất vả, thế nhưng, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng, nỗ lực hết mình. Nhờ sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu và chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp, đặc biệt là tình cảm yêu nghề mến trẻ đã giúp tôi gắn bó với nghề hơn 10 năm”.
33 năm công tác trong ngành giáo dục là 33 năm thầy Trần Hữu Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học A Đa Phước được cháy hết mình với nghề. Phát huy tinh thần “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thầy Hạnh không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tìm ra các phương pháp mới để phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Không chỉ vậy, thầy còn tích cực tham gia các phong trào thi đua của ngành giáo dục phát động, đóng góp nhiều thành tích cho nhà trường.
Từ những cống hiến trên, năm 2010, thầy Trần Hữu Hạnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, các thành tích tiêu biểu như: giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liền (năm học 2019 – 2020 và năm học 2020 – 2021); giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh, năm học 2021 - 2022; Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh An Giang” của UBND tỉnh năm 2023. Tất cả chính là sự ghi nhận cho quá trình cống hiến vì sự nghiệp trồng người của thầy Trần Hữu Hạnh.
Thầy Trần Hữu Hạnh trong giờ dạy môn Luyện đọc
Thầy Trần Hữu Hạnh chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui mừng, hạnh phúc và rất vinh dự khi được UBND tỉnh, huyện công nhận các thành tích. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục vững bước trên bục giảng, dành trọn tâm – trí – lực, truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò”.
So với những năm trước đây, ngày nay, môi trường giáo dục tốt hơn rất nhiều, cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước đảm bảo phục vụ giảng dạy. Điều này đã phần nào tiếp thêm động lực để các thầy, cô giáo tiếp tục gắn bó với nghề, không ngừng thay đổi phương pháp dạy học để học sinh có thể tiếp thu kiến thức nhanh chóng và vận dụng vào cuộc sống; từ đó, không chỉ giúp công tác chuyên môn đạt hiệu quả, mà còn góp phần giúp nhà trường có thêm những bước tiến mới.
Là một trong những ngôi trường có thành tích giáo dục tốt, nhiều năm liền, Trường THCS Đa Phước có tỷ lệ học ra lớp đạt 100% và liên tục đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến. Trong đó có thành tích đạt chuẩn quốc gia năm 2020 được xem là phần thưởng cho đội ngũ giáo viên, đã đóng góp tất cả tâm huyết vào mọi hoạt động, phong trào của nhà trường.
Tiết dạy môn khoa học tự nhiên của cô Phan Thị Thu Hà
Theo cô Phan Thị Thu Hà, giáo viên Trường THCS Đa Phước cho biết: Công tác tại ngôi trường đạt chuẩn quốc gia là niềm tự hào của nhiều giáo viên, trong đó có bản thân tôi. Điều này là niềm vui, song cũng là thử thách, đòi hỏi tôi phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng để trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ tốt công tác giảng dạy, góp phần cùng nhà trường nâng cao chất lượng và duy trì thành tích đã đạt được”.
“Có một nghề bụi phấn bám đầy ta. Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất. Có một nghề không trồng hoa trên đất, mà cho đời những đóa hoa thơm”. Có thể nói, một nhà giáo chân chính không bao giờ đòi hỏi sự trọng đãi của người khác hay sự đáp ứng của xã hội. Bởi, đối với giáo viên, được sống với nghề, được nhìn thấy sự trưởng thành của những học trò thân thương là niềm tin, sức mạnh to lớn để các thầy, cô giáo tiếp tục vững vàng đứng trên bục giảng. Đó chính là nét đẹp cao quý và thiêng liêng của nghề dạy học, xứng đáng được xã hội trân trọng và tôn vinh.
Phóng sự ảnh: Phương Trình