Điều kiện tự nhiên

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

An Phú là huyện biên giới đầu nguồn của tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên hơn 226,298 km2, nằm ở đầu nguồn sông hậu, có nhiều thuận lợi về nguồn nước, đất đai phù sa bồi đắp hàng năm nên có điều kiện phát triển về nông nghiệp, trong đó thế mạnh của huyện là sản xuất lúa, hoa màu và nuôi cá.

Phía Tây và Bắc giáp Campuchia, đường biên giới dài khoảng 43km, tiếp giáp 02 huyện Angkor Boray, Borey Cholsar, và thành phố Sampov Poun của 02 tỉnh Kandal và Takeo thuộc Vương quốc Campuchia; phía Đông và Đông Nam giáp thị xã Tân Châu, phía Tây Nam giáp thành phố Châu Đốc.

Huyện có 14 đơn vị hành chính gồm: 03 thị trấn (An Phú, Long Bình, Đa Phước) và 11 xã (Phước Hưng, Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái, Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Vĩnh Trường, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Vĩnh Hậu và Phú Hội).

 

Thánh đường hồi Giáo Masjid Al Ehsan nằm ở Làng Chăm thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang

Dân số toàn huyện có 148.731 người với, mật độ dân số 657 người/km2 (theo niên giám thống kê năm 2021), là nơi tập trung sinh sống các dân tộc anh em như Kinh, Chăm, Hoa và một số dân tộc khác, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Với sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo cùng với những nét đặc trưng khác nhau về phong tục, tập quán truyền thống của mỗi dân tộc đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa, những nét văn hóa của mỗi dân tộc được lưu giữ, bảo tồn và phát huy tạo nên những nét riêng của cư dân vùng biên giới bất cứ vùng khác không nơi nào có được. 

 

Khung cảnh hồ Búng Bình Thiên

Cây Đa cổ thụ

Hầu hết diện tích huyện An Phú đều là đồng bằng, có nhiều nơi bị ngập úng thường xuyên. Đất đai chủ yếu là đất phù sa. Hàng năm, An Phú chịu ảnh hưởng của mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi. Khoảng từ tháng 7 (âm lịch), mực nước trên sông Mê Kông dâng cao, mưa nhiều kết hợp với lượng nước tích tụ tại Biển Hồ của Campuchia làm gần như toàn bộ khu vực này chìm trong biển nước, độ ngập trung bình khoảng 2-3 mét. Thời gian ngập lụt kéo dài khá lâu, thường là khoảng 4, 5 tháng nên có ảnh hưởng rất lớn đến tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Hoạt động giao thương tại cầu Long Bình - Chrey Thom

Địa thế của An Phú có vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế, án ngữ nơi đầu nguồn của sông Mê Kông khi từ Campuchia vào Việt Nam, nằm trên tuyến đường giao thông thủy nối liền các tỉnh miền Tây ven sông Hậu Việt Nam với thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia.

Hiện nay việc lưu thông đường bộ từ Thành phố Châu Đốc đến An Phú và nước bạn Campuchia khá thuận tiện vì đã có cầu Cồn Tiên và cầu Long Bình đã hoàn thành tạo sự thông suốt giao thông với quốc lộ 91C đến 03 huyện Angkor Boray, Borey Cholsar, Koh Thum của 02 tỉnh Kandal và Takeo thuộc Vương quốc Campuchia.

Tính theo đường bộ thì từ An Phú đi thủ đô Phnom Pênh của Campuchia là đường gần nhất từ Việt Nam đi sang nên tạo điều kiện tốt cho giao thương trong vùng.