Nuôi Bò vỗ béo thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm

 

Trong những năm gần đây, mô hình nuôi bò thịt hay còn gọi là bò vỗ béo ở huyện An Phú ngày càng thu hút đông đảo các hộ tham gia. Mô hình này đã mang lại thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm cho nông dân.

Ông Lê Văn Liềm chăm sóc đàn bò

Gần 10 năm gắng bó với mô hình nuôi bò vỗ béo, nông dân Lê Văn Liềm, khóm Tân Thạnh, thị trấn Long Bình cho biết: Vào năm 2015, đa phần nông dân sản xuất lúa là chính. Thấy sản xuất lúa trúng mùa nhưng giá cả bấp bênh, thu nhập không cao, cuộc sống nông dân không ổn định, nhiều nông dân ở địa phương đã mạnh dạn chuyển từ lúa sang trồng xoài keo. Riêng ông Liềm quyết định chuyển 2 công đất lúa sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo.

Ban đầu, ông làm chuồng, đầu tư khoảng 20 triệu đồng (thời điểm năm 2015) để bắt 2 con bò về nuôi. Hàng ngày, khoảng 7 giờ sáng, ông Liềm đi cắt cỏ đến 9 giờ trưa là đủ cho bò ăn cả ngày. Một ngày cho ăn 3 buổi và tắm, vệ sinh chuồng trại thường xuyên để đảm bảo không ô nhiễm môi trường, đồng thời phòng, chống dịch bệnh.

Nhờ chăm sóc tốt, nguồn cỏ dồi dào, bò phát triển nhanh, sau 3 tháng nuôi, ông xuất bán và lợi nhuận hơn 12 triệu đồng. Sau khi bán bò, ông Liềm tiếp tục mua 1 cặp mới, cứ thế, 1 năm xoay vòng nuôi được 3 đợt, tùy theo thời điểm giá cả mà ông lợi nhuận từ 45-50 triệu đồng. Năm 2021, ông được Hội Nông dân thị trấn Long Bình giới thiệu vay vốn 50 triệu đồng để cải tạo chuồng trại chăn nuôi, hệ thống xử lý nước thải và tăng số lượng đàn. Hiện nay, ông là lao động chính trong gia đình, nên mỗi đợt ông chỉ nuôi 3 con bò, trong 3 tháng sẽ cho lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng. Ông Liềm nói: “Tôi mua 3 con bò với giá 60 triệu đồng, nuôi 3 tháng bán 1 đợt. Một năm xoay vòng được 3 đợt, tôi lợi nhuận trên 80 triệu đồng”.

Đàn bò nuôi được 2,5 tháng, được thương lái hỏi mua với giá 87 triệu đồng

Theo ông Lê Văn Liềm, nuôi bò không mất nhiều công chăm sóc và chi phí thức ăn. Bởi ông đã tận dụng được nguồn cỏ tự nhiên và tự trồng. Đối với nuôi bò thịt, bò vỗ béo phải đảm bảo đầy đủ nguồn thức ăn, điều này rất quan trọng, quyết định đến sự tăng trưởng của bò. Nếu nguồn thức ăn dồi dào, chăm sóc đúng kỹ thuật thì người nuôi sẽ có lợi nhuận cao.

Nếu 2 công đất trồng lúa trúng mùa được giá cho lợi nhuận cao nhất khoảng 8 triệu đồng trên 1 năm/ 3 vụ. Thì việc 2 công lúa chuyển sang trồng cỏ nuôi bò cho lợi nhuận gấp 10 lần so với trồng lúa. Hiện nay, thị trấn Long Bình có 6 hộ nuôi bò vỗ béo với số lượng 14 con. Mô hình nuôi bò vỗ béo đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất của nông dân.

Bò giống được hỗ trợ cho hộ dân xã Nhơn Hội thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo

Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện An Phú, ông Nguyễn Tấn Thủy cho biết: Tính đến ngày 31/5, toàn huyện An Phú có khoảng 707 hộ nuôi bò thịt, bò vỗ béo và bò giống, tổng số lượng 1.687 con, chủ yếu theo phương pháp nuôi hộ gia đình, trong đó, có 16 hộ được hỗ trợ 32 con bò giống thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Theo nhận định của ngành chuyên môn, số lượng nuôi còn rải rác, chưa tập trung, giá bán còn tùy thuộc vào thương lái. Để phát triển đàn bò, hướng đến chăn nuôi ổn định, bền vững, nông dân cần thay đổi phương pháp chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi thâm canh./.

Bài, ảnh: Thế Anh