Phụ nữ Phú Hội duy trì nghề bó chổi bông sậy truyền thống

Nghề bó chổi bông sậy ở ấp Phú Nghĩa (xã Phú Hội) đã hình thành và phát triển hơn chục năm nay, chổi được sản xuất quanh năm, không chỉ tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Hai (ấp Phú Nghĩa) là một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhưng từ khi được tiếp cận với nghề bó chổi bông sậy mà có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Chị là người có nhiều năm gắn bó với nghề bó chổi bông sậy nên hiểu được giá trị nghề truyền thống “cha truyền con nối” mang lại. Chị Hai cho biết: Hơn chục năm về trước, nghề bó chổi bông sậy ở đây chỉ mang tính chất nghề dạy nghề, người đi trước dạy cho người đi sau, chủ yếu tìm nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để tự làm, nhằm phục vụ trong gia đình là chính. Dần về sau, mỗi hộ sản xuất số lượng càng nhiều hơn để bán cho người dân trong xóm sử dụng và việc bó chổi trở thành nghề mưu sinh của nhiều gia đình kể từ đó.

Chị Nguyễn Thị Hai (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) chia sẻ về nghề bó chổi bông sậy

Chị Nguyễn Thị Kiều (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) phơi bông sậy

Theo chị Nguyễn Thị Kiều (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) chia sẻ: Trước đây nguồn nguyên liệu sậy có nhiều, dễ tìm ngoài tự nhiên và tại địa phương nên chi phí thấp, lợi nhuận tương đối cao. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu sậy ngày càng khan hiếm, các hộ làm nghề bó chổi bông sậy tại đây phải mua nguyên liệu từ nơi khác, nên lợi nhuận cũng không cao như trước.

Chổi bông sậy của tổ hợp tác được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương ưa chuộng

Chổi bông sậy của tổ hợp tác xã Phú Hội thành phẩm có mẫu mã đẹp và chất lượng

Bình quân mỗi hộ bó được từ 15 - 20 cây chổi/ ngày. Mỗi cây thành phẩm tùy loại lớn nhỏ mà có giá bán từ 40.000 – 60.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ gia đình thu nhập từ 150.000 đồng – 200.000 đồng/ngày, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Hội sinh hoạt cùng các thành viên tại tổ hợp tác

Nói về hoạt động tổ hợp tác, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Hội cho biết: Thấy được hiệu quả bó chổi bông sậy mang lại, vào năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hội đã quyết định thành lập “Mô hình tổ phụ nữ bó chổi bông sậy” với 17 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn ấp Phú Nghĩa.

Để duy trì hoạt động hiệu quả và giải quyết việc làm cho lao động địa phương, Hội LHPN xã Phú Hội đã giới thiệu và hỗ trợ tổ viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và nguồn vốn từ các mô hình sinh kế, đến nay đã có 09 tổ viên được vay vốn với tổng số tiền 360 triệu đồng.

Có thể thấy, mô hình bó chổi sậy ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội đã và đang giải quyết tốt việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Do đó, việc duy trì và phát triển nghề truyền thống nói chung và nghề bó chổi bông sậy ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội nói riêng cũng cần được quan tâm, quản bá sản phẩm thông qua trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa các nghề truyền thống của địa phương.

Ghi nhận, ảnh: Nghĩa Thanh
 

EMC Đã kết nối EMC