Để chủ động phòng chống không để dịch sốt xuất huyết bùng phát và có khả năng lan rộng, ngoài việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Trạm Y tế thị trấn Long Bình thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân.
Theo số liệu từ Trạm Y tế , tính đến ngày 28/9, thị trấn Long Bình đã ghi nhận 26 ca sốt xuất huyết trên địa bàn, trong đó đã xảy ra ở 8 ổ dịch trên địa bàn các Khóm Tân Khánh 12 ca, Tân Thạnh 11 ca và Tân Bình 3 ca, so với cùng kỳ thấp hơn 53 ca. Trước tình hình này, địa phương cũng đã thực hiện khá tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cũng như phát hiện, điều trị kịp thời những ca bệnh, không để ảnh hưởng đến tính mạng và không có trường hợp nặng phải chuyển lên tuyến trên.
Thạc sĩ, dược sĩ Phạm Thanh Tiến, Trưởng Trạm y tế thị trấn Long Bình
Theo thạc sĩ, dược sĩ Phạm Thanh Tiến, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Long Bình cho biết, mặc dù trong nhiều tuần qua, thị trấn Long Bình không ghi nhận thêm trường hợp sốt xuất huyết mới, nhưng không vì vậy mà chủ quan. Trạm Y tế Long Bình truyền thông bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, trong đó tổ chức 3 đợt triển khai chiến dịch diệt lăng quăng với sự tham gia của 360 cán bộ, cộng tác viên, cùng với các ban ngành đoàn thể, học sinh,… Tuy nhiên, do lo ngại dịch sốt huất huyết bùng phát mạnh vào mùa mưa như hiện nay, trạm y tế đã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và phát thanh lưu động của địa phương về các dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết để người dân phòng bệnh, đồng thời vận động người dân tích cực vệ sinh môi trường, ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi.
Lực lượng y tế thường xuyên tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng
Sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa. Nguyên nhân, khi mưa xuống tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Đặc biệt, muỗi vằn thường chọn đẻ trứng nơi nước sạch; không đẻ nơi ao tù, nước thải, cống như nhiều người vẫn nghĩ. Nhưng trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành lu, hũ và có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì trứng đó lập tức phát triển thành lăng quăng rồi thành muỗi. Chính vì vậy, nên muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Hàng năm cứ mùa mưa đến thì bệnh sốt xuất huyết lại có chiều hướng gia tăng, bệnh thường bùng phát mạnh nếu không có sự chủ động phòng chống từ cộng đồng.
Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát, trong đó có bệnh sốt xuất huyết”. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo, mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như: ngủ mùng kể cả ban ngày, diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước, thường xuyên thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc hóa chất diệt côn trùng, loại bỏ các vật phế thải xung quanh nhà,…góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: Phan Tuấn