Chiều 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu xã An Phú

Lãnh đạo xã An Phú tham dự trực tuyến Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia
Tại điểm cầu xã An Phú, ông Huỳnh Hưng Thượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, cùng các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân dự xã tham dự.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: thời gian qua, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai. Năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025 là một giai đoạn đầy thách thức, toàn quốc đã xảy ra hơn 10.200 sự cố, thiên tai, làm 1.389 người chết, 398 người mất tích và thiệt hại vật chất lớn.
Từ thực tế trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong hoạt động Phòng thủ dân sự phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: “Phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự cố; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, phù hợp, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần”.
Thủ tướng nhận định, diễn biến thiên tai trong những năm gần đây và năm 2025 tiếp tục rất phức tạp, ngày càng khó lường, không còn tuân theo quy luật thông thường. Do đó, cần nâng cao năng lực dự báo, phân tích, nhận diện quy luật mới để có giải pháp phù hợp hơn trong tổ chức ứng phó.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành chuyển mạnh tư duy từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải linh hoạt, kịp thời, khắc phục phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm "4 tại chỗ".
Huỳnh Hiếu