Hội nghị đánh giá ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Ngày 8/6, Ủy ban nhân dân huyện An Phú tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kinh tế tập thể; đến dự có bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ An Giang; bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo, huyện An Phú đã triển khai thực hiện được 06/8 nhóm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm, gồm: nhóm sản phẩm lúa - gạo; rau màu; nấm ăn, nấm dược liệu; thủy sản; chăn nuôi và cây ăn trái. Cụ thể, toàn huyện có trên 85% diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8; 103 nhà màng, nhà lưới giá rẻ với tổng diện tích 5,1 ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao; 2 nhà trồng nấm rơm với diện tích 140 m2; 5 nhà trồng nấm bào ngư xám với diện tích 640 m2 và 2 nhà trồng nấm linh chi ứng dụng pin năng lượng mặt trời, với diện tích 500 m2. Ngoài ra, huyện An Phú được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang hỗ trợ cấp được 64 mã vùng trồng xoài keo với diện tích 1.598 ha và được công ty liên kết, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định, lâu dài… Toàn huyện có 6 nhóm sản phẩm thu hút được 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng cao gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời An Giang thực hiện chuỗi liên kết lúa chất lượng cao; Hợp tác xã DHFram Phú Hữu thực hiện trồng dưa lưới, dưa lê có ký kết bao tiêu sản phẩm; Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu thực hiện chuỗi liên kết trồng cây đậu bắp Nhật; Công ty cổ phần rau quả thực phẩm Antesco An Giang thực hiện liên kết thu mua xoài keo;… Về phát triển kinh tế tập thể, toàn huyện có 21 Hợp tác xã nông nghiệp, với 1.161 thành viên. Doanh thu bình quân năm 2022 được 573 triệu đồng/HTX/năm, trong đó lãi bình quân của một Hợp tác xã là 23 triệu đồng/HTX/năm. Ngoài ra, huyện còn có 62 Tổ hợp tác đang hoạt động, chủ yếu thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ.Hợp tác xã lúa an toàn sinh học Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc đề nghị cấp mã vùng trồngTại đây, các đại biểu có ý kiến về việc hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển Hợp tác xã; tập huấn lập kế hoạch kinh doanh cho nông dân; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hợp tác xã; cấp mã số vùng trồng;… Bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Phú phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Phú đề nghị: các xã, thị trấn và các ngành có liên quan rà soát lại các kế hoạch chuyển đổi về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó tập trung phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện; triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân và các hợp tác xã, tổ hợp tác; tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tổ chức, triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; củng cố, xử lý dứt điểm đối với các hợp tác xã hoạt động yếu kém, đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động không đúng quy định của Luật Hợp tác xã; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và các cơ sở sản xuất đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở tham gia đầy đủ các phiên hội chợ để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương; Hướng dẫn và hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở và chủ thể sản xuất trong các hoạt động nghiên cứu triển khai cải tiến kỹ thuật, đăng ký và quảng bá thương hiệu hàng hóa, sản phẩm;…