Nghề bó chổi bông sậy ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội ngày càng phát triển, nhờ đó đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ xã, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hội cho biết: Nhận thấy địa phương vẫn còn nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu làm thuê, mua bán nhỏ lẻ, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình, vào năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hội đã quyết định thành lập “Mô hình tổ phụ nữ bó chổi bông sậy”, với 17 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn ấp Phú Nghĩa. Mô hình được thành lập với mục đích giúp cho chị em phụ nữ có việc làm ổn định. Sau khi được thành lập, để tạo cho chị em tiếp cận được nguồn vốn vay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hỗ trợ 6 chị em trong tổ có nhu cầu vay vốn, với tổng số tiền 260 triệu đồng, để các chị có điều kiện mua nguyên liệu làm chổi.
Đến với ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội, hôm nay như toát lên một sức sống mới của một làng nghề mới. Theo nhiều thành viên tổ phụ nữ bó chổi bông sậy cho biết, sản phẩm chổi bông sậy được sản xuất quanh năm, nghề bó chổi bông sậy làm không khó, cũng chẳng nặng nhọc nên người trẻ, người già đều làm được, chỉ cần quen tay, thạo việc thì năng suất lao động lẫn thu nhập đều tăng. Các chị chủ yếu là nghề dạy nghề, chỉ bảo qua lại rồi thạo nghề, đây chính là nét đặc trưng của loại hình sản xuất thủ công.
Để thành phẩm một cây chổi bền, đẹp thì việc chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu chính là bông sậy phải đảm bảo đẹp, bên cạnh đó còn có các nguyên liệu khác như: đưng, chuối, bắp, tre,…được các chị em mua ở huyện Châu Phú. Công việc bó chổi bông sậy mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Để hoàn thành được một cây chổi đẹp, bền chắc, các chị phải trải qua khoảng 4-5 công đoạn khác nhau. Đầu tiên là làm mái chổi, sau khi đã định hình mái chổi, lần lượt kết từng bông sậy vào, mỗi lần kết, dùng dây găng buộc chặt để cọng chổi không dễ rơi, rớt khi quét. Tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, đóng tre vào lõi của cán chổi, cuối cùng là danh chổi. Mỗi cây chổi thành phẩm đều qua các công đoạn vào lọn, bó, bện, gianh… máy móc hiện đại cũng không thể thay thế sự khéo léo qua đôi bàn tay của người làm chổi.
Đầu ra sản phẩm hiện nay nhiều nhất là thị trường Campuchia, sau khi chổi thành phẩm các chị bỏ mối sang Campuchia với giá 40.000 đồng/cây. Trung bình một ngày, mỗi chị làm được khoảng 15 cây chổi thành phẩm, trừ chi phí cho thu nhập trên 200.000 đồng. Cứ vài ba ngày là có “mối” đến tận nơi lấy hàng. Nhiều chị phải chong đèn đến tận khuya để bó chổi nhưng ai cũng vui, điều đó đã giúp chị em sống được với nghề.

Chị Nguyễn Thị Lịnh đang làm các công đoạn bó chổi bông sậy
Chị Nguyễn Thị Lịnh - Thành viên tổ bó chổi bông sậy cho biết: Công việc tính ra khỏe hơn so với phải làm thuê. Thời gian linh hoạt từ 1 buổi, buổi rưỡi và tự chọn công đoạn tại nhà. Tôi sẽ gắn bó với nghề chổi bông sậy này, để thu nhập gia đình ngày càng ổn định.

Chị Nguyễn Thị Hai đang làm các công đoạn bó chổi bông sậy
Chị Nguyễn Thị Hai – Thành viên tổ bó chổi bông sậy cũng cho biết: Nghề này tuổi nào cũng làm được, phù hợp nhất với lao động nữ, thu nhập ổn định, nhiều người đi Bình Dương rồi cũng trở về gắn bó vì được ở gần gia đình, lo thêm việc trong nhà. Bình quân 1 ngày tôi làm được trên 200.000 đồng, đủ trang trải sinh hoạt và lo cho con ăn học”.

Chị Nguyễn Thị Kiều đang làm các công đoạn bó chổi bông sậy
Chị Nguyễn Thị Kiều – Thành viên tổ bó chổi bông sậy chia sẻ: “Trước đây công việc chủ yếu của tôi là làm thê, thu nhập không ổn định, từ khi tham gia vào tổ bó chổi bông sậy, thu nhập mỗi ngày trên 200.000 đồng. Hiện nay với nghề bó chổi bông sậy, kinh tế gia đình tôi cơ bản đã ổn định”.
Để nghề bó chổi bông sậy ấp Phú Nghĩa phát triển tốt hơn, Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hội cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các điều kiện, tổ chức cho hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường, để nghề bó chổi bông sậy ngày càng phát triển và mở rộng quy mô; góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã, góp phần tạo diện mạo mới cho quê hương Phú Hội”.
Có thể thấy, hoạt động của “Mô hình tổ phụ nữ bó chổi bông sậy” đã nói lên tinh thần sáng tạo, khả năng tổ chức của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hội, hiệu quả của mô hình không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ mọi mặt của chị em phụ nữ, mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Phóng sự, ảnh: Ngọc Cẩm