An Phú là vùng rất thích hợp cho cây đậu phộng phát triển. Để giúp nông dân có thêm giống đậu phộng chất lượng, cho năng suất cao, trong vụ Thu Đông năm 2024, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học - Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức mô hình trồng khảo nghiệm 6 giống đậu phộng và 1 giống đối chứng để nâng cấp chuỗi giá trị cho vùng đất huyện An Phú. Qua đánh giá, 2 giống đậu phộng đạt chất lượng, cho năng suất, tăng khoảng 10% so với các giống đậu phộng mà nông đang gieo trồng trước đây.
Nông dân tham quan mô hình khảo nghiệm 6 giống đậu phộng mới
Kiểm tra đánh giá năng suất, chất lượng đậu phộng tại mô hình khảo nghiệm
Để nâng cấp chất lượng, năng suất giống đậu phộng đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, những năm qua, cây đậu phộng đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho nông dân huyện An Phú, nhất là nông dân xã Phú Hữu. Tuy nhiên, một số giống chuyển giao cho nông dân đã qua nhiều vụ dẫn đến giống bị thoái hoá, lẫn tạp, năng suất không cao, hiệu quả kinh tế giảm. Để nâng cấp chất lượng, năng suất giống đậu phộng đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, vụ Thu Đông năm 2024, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học - Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh An Gian đã thực hiện mô hình trồng khảo nghiệp 6 giống đậu phộng và 1 giống đối chứng để đánh giá về năng suất, chất lượng tiến tới khuyến khích nhân rộng cho nông dân.
Mô hình được thực hiện trên diện tích 1.000 m2 của nông dân Hồ Thanh Trúc, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu. Các giống được chọn trồng khảo nghiệm gồm: Hatri 13 ĐP, 15 ĐP, 19 ĐP, 20 ĐP, 23 ĐP, 24 ĐP và giống đối chứng là LDH 09.
Sau thời gian 2,5 tháng gieo trồng, qua đánh giá trực tiếp của nông dân tại ruộng cho thấy: Giống Hatri 20 ĐP và 23 ĐP cho năng suất trên 900kg/công, cao hơn giống đối chứng LĐH 09 mà nông dân đang trồng khoảng 40 - 60kg/công.
Nói về ưu điểm của 2 giống mới này, nông dân Hồ Thanh Trúc, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu cho biết: “Qua khảo nghiệm thực tế, 2 giống đậu phộng này rất phù hợp thổ nhưỡng địa phương, canh tác ngắn ngày, hạt chắc nhiều, thích hợp bán tươi cho thương lái”.
Nông dân đánh giá cao giống Hatri 23 ĐP và Hatri 20 ĐP tại buổi hội thảo
Khi tham quan mộ hình trồng khảo nghiệm 6 giống đậu phộng mới, nhiều nông dân cho rằng, giống Hatri 20 ĐP và Hatri 23 ĐP có nhiều ưu điểm hơn các giống khác như: dễ trồng, ít sâu bệnh, tỷ lệ hạt chắc nhiều, năng suất cao,…đặc biệt, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thương lái.
Nông dân Nguyễn Văn Sa, ấp Phú Lợi xã Phú Hữu cho biết: “Giống Hatri 20 ĐP và Hatri 23 ĐP phát triển đồng đều, cây rất khoẻ, cho năng suất cao hơn giống LDH 09 mà tôi đang trồng. Tôi rất thích 2 giống này, vụ mùa tới sẽ áp dụng trên diện tích khoảng 5 công”.
Ông Lê Hữu Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh An Giang cho biết: Qua thời gian thực hiện mô hình, giống Hatri 20 ĐP và 23 ĐP là hai giống cho năng suất cao, chất lượng hạt tốt, tỷ lệ hạt chắc cao.
Giống Hatri 20 ĐP cho năng suất trung bình là 9,4 tấn/ha; giống Hatri 23 ĐP có kết quả năng suất cao nhất 9,7 tấn/ha, cao hơn giống LDH 09 khoảng 0,4-0,6 tấn/ha, với giá bán hiện nay là 22.000 đồng/kg thì giống Hatri 20 ĐP và 23 ĐP lợi nhuận từ 10-11 triệu đồng/công, các giống còn lại lợi nhuận khoảng 3 - 4,5 triệu đồng/công. Kết quả bước đầu của mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Do đó, trong thời gian tới, địa phương cần nhân rộng các giống đậu phộng đạt hiệu quả cho nông dân ứng dụng.
Ông Lê Hữu Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ An Giang (đứng giữa) trực tiếp kiểm tra năng suất tại ruộng
Theo thống kê, hiện ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu có hơn 450ha trồng đậu phộng. Những năm gần đây, cây đậu phộng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân nơi đây. Việc khảo nghiệm thành công 2 giống đậu phộng mới cho năng suất cao sẽ là tiền đề quan trọng để nông dân Phú Hữu phát triển cây đậu phộng, tăng thu nhập, tiến tới hình thành vùng trồng đủ lớn để liên kết, giúp nông dân phát triển bền vững hơn từ cây đậu phộng./.
Thế Anh