Ngắm cung đường thủy đa sắc màu ở vùng biên

 

Những ngày gần đây, Làng bè Châu Đốc nhận được nhiều sự quan tâm của du khách, bởi nơi đây đang khoác lên mình “chiếc áo” đa sắc màu, kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn để khám phá và trải nghiệm.

Ngắm “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” từ trên cao

Được ví von là cung đường thủy đa sắc màu đầu tiên ở miền Tây, dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp với UBND huyện An Phú thực hiện tại khóm Phước Thọ và khóm Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước đã tạo nên cảnh sắc rực rỡ, điểm nhấn mới lạ cho sản phẩm đặc trưng vùng sông nước.

Với chiều dài 1.170m, cung đường thủy này được sơn phủ 06 màu sắc gồm: đỏ - vàng - cam - lục - lam – tím trên toàn bộ 161 bè nuôi cá. Mỗi nhà bè được sơn một màu, lần lượt theo thứ tự.

Những nhà bè khoác “chiếc áo” rực rỡ

UBND thị trấn Đa Phước vận động người dân sơn bè theo màu quy định

Theo ông Nguyễn Nhu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đa Phước: Để triển khai “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang và UBND thị trấn Đa Phước đã dành nhiều thời gian trao đổi về từng giai đoạn thực hiện dự án. Trong giai đoạn này, địa phương đã đến tận các nhà bè để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án để người dân hiểu rõ, phối hợp thực hiện đúng thời gian và quy định. Đến nay, đơn vị đã sơn xong 4 cụm màu với 79 bè. Dự kiến, đến tháng 11/2023, dự án sẽ hoàn thành.

Hoạt động dịch vụ du lịch sông nước hơn 14 năm, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 2 năm trở lại đây, lượng du khách đến làng bè rất hạn chế, nên thu nhập của anh Nguyễn Hữu Nghĩa cũng giảm đáng kể.  

Vì thế, khi nghe chính quyền địa phương “giới thiệu” về dự án Làng bè sắc màu, anh Nguyễn Hữu Nghĩa rất hào hứng tham gia. Nhà bè của anh Nghĩa được sơn màu lam và hiện là một trong những nhà bè đã hoàn thành phần sơn màu, anh vô cùng phấn khởi vì hình ảnh “Làng bè sắc màu” xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội đã thu hút du khách đến tham quan.

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa chở khách du lịch tham quan làng bè

Những sản phẩm lưu niệm tại nhà bè của anh Nguyễn Hữu Nghĩa

Chính quyền địa phương trao đổi về các dịch vụ trên bè

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ: Giờ đây, làng bè được thay “chiếc áo” mới với những màu sắc rực rỡ, du khách đến thưởng lãm, chụp ảnh, check in nhiều hơn trước, nhờ đó doanh thu cũng khởi sắc.

Để đến “Làng bè đa sắc màu”, du khách có thể đi xe đến thị trấn Đa Phước, sau đó xuống ghe để tham quan làng bè, hòa mình cùng với những ngôi nhà nhỏ nằm bồng bềnh trên sông nước. Bên cạnh, khi dự án hoàn thành, nhiều mô hình dịch vụ sẽ được đưa vào vận hành, tạo điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách đến với huyện biên giới An Phú.

“Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng nhiều hoạt động thú vị như: dịch vụ lưu trú cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt trên bè; chèo sup tham quan làng bè; mở thêm các vèo cá với nhiều loại thủy sản nước ngọt như: cá cóc, cá mè, tôm,...để du khách có thể tận tay câu cá, vớt cá, cho cá ăn tại bè,... từ đó tạo ấn tượng trong lòng khách du lịch để quay trở lại đây nhiều lần nữa”, anh Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Cùng với phát triển du lịch sông nước, UBND thị trấn Đa Phước sẽ kết nối tour, tuyến du lịch để tạo nên chuỗi giá trị tham quan du lịch như: làng bè Châu Đốc - làng diệt thổ cẩm – Thánh đường Hồi giáo Sunah và Ehsan với kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm - cây da hơn 300 năm tuổi – Búng Bình Thiên,... qua đó tạo điều kiện để người dân thị trấn Đa Phước nói riêng và huyện An Phú nói chung có nhiều thu nhập thông qua các dịch vụ đi kèm.

Ông Nguyễn Nhu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đa Phước cho biết: Khi dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” đưa vào vận hành, UBND thị trấn Đa Phước sẽ tham mưu với UBND huyện An Phú và kiến nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang triển khai nhiều dịch vụ đi kèm như: homestay, ẩm thực, văn hóa văn nghệ, đờn ca tài tử, hoạt động tập thể,... nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá vẻ đẹp của vùng biên giới.

“Làng bè sắc màu” trên địa bàn thị trấn Đa Phước đã tạo nên cảnh quan đặc sắc và cũng là duy nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ trên cao nhìn xuống, những mảng màu đan xen kết nối trở thành điểm nhấn độc đáo, thú vị ở khu vực ngã ba sông. Đây chắc chắn là điểm đến đặc biệt thu hút nhiều khách du lịch đến với huyện An Phú hơn nữa trong thời gian tới.

Phóng sự ảnh: Phương Trình – Vicô