Nhiều thuận lợi khi triển khai Đề án một triệu ha lúa ở huyện An Phú

 

Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL đang được nông dân trên nhiều địa phương ủng hộ. Tại An Giang, với diện tích sản xuất lúa lớn, nông dân có tập quán canh tác lúa theo quy trình hữu cơ, sinh học, cùng sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết…là những yếu tố thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh triển khai Đề án, trong đó có huyện đầu nguồn An Phú.

Cánh đồng lúa thực hiện mô hình

Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tỉnh An Giang đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp triển khai 152 ngàn ha đến năm 2030. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang cho biết, ngay trong vụ thu đông 2024-2025, Đề án đã được triển khai rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh với 22 mô hình, diện tích khoảng 11 ngàn ha. Bình quân tiết kiệm từ 4,9 triệu – 5 triệu đồng/ha.

Vụ Thu Đông năm 2024, huyện An Phú đã triển khai thực hiện Đề án với diện tích tham gia là 420 ha, trong đó có mô hình 1 Phải – 5 Giảm gắn với công nghệ sinh thái tại thị trấn Đa Phước. Mô hình có diện tích 50 ha của 29 nông dân thuộc HTX Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước.

Tham gia mô hình, nông dân được Trạm Trồng trọt và BVTV huyện tập huấn sản xuất lúa theo quy trình 1 phải 6 giảm kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa, đồng thời gắn với liên kết tiêu thụ. Trong mô hình này, nông dân cũng từng bước thực hiện sử dụng bổ sung phân hữu cơ, giảm phân đạm, tưới ngập - khô xen kẽ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh… góp phần hạn chế tác động đến môi trường, nâng cao chất lượng lúa gạo, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Là 1 trong những người tham gia mô hình thí điểm, ông Trương Văn Hoàng, Trưởng Ban kiểm soát HTX Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước phấn khởi, cho biết, nông dân không chỉ giảm lượng  giống, phân bón, thuốc BVTV, giảm thất thoát sau thu hoạch… rất nhiều so với tập quán canh tác cũ mà còn được nhà nước hỗ trợ khoảng 40% chi phí ban đầu (tương đương gần 1,2 triệu/ha). Thu nhập trung bình 24,4 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng trung bình 8,6 đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, bà Nguyễn Thị Phướng cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình

Triển khai “Đề án 1 triệu ha”, An Phú gặp thuận lợi do có diện tích sản xuất lúa lớn với trên 31.000ha/năm; nông dân hầu hết đã hình thành được tập quán sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất. Bên cạnh đó, sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết cũng là một lợi thế để An Phú triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Đề án. Ông Nguyễn Minh Bữu, Giám đốc Công ty giống cây trồng Phú Hưng, huyện An Phú khẳng định: “Chúng tôi sẳn sàng hợp tác và mua cao hơn thị trường 700 đ/kg đối với lúa sạ hàng và cao hơn 1.200đ/kg đối với lúa cấy. Như vậy, nếu thu hoạch 8 tấn/ha và có liên kết với công ty, lợi nhuận bà con có thể đạt gấp đôi so với canh tác thông thường”. Tận mắt tham quan mô hình thí điểm của nông dân thị trấn Đa Phước, ông Trần Văn Hết, xã Quốc Thái, cho rằng bản thân sẽ tham gia và vận động bà con trong ấp cùng tham gia đề án, nâng cao thu nhập.

Từ hiệu quả của mô hình điểm này, An Phú sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện, góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển 2.700 ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trong năm 2025. Bước đầu, sẽ triển khai tập trung thực hiện ở các xã, thị trấn có Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT; Dự án WB9…Từ nay đến năm 2030, An Phú đề ra mục tiêu triển khai 10.050 ha. Trong đó, phấn đấu vận động ít nhất 6.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; 100% diện tích có liên kết giữa doanh nghiệp với Tổ hợp tác, Hợp tác xã; Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%; Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn vùng…/.

Thực hiện: Đăng Khoa