Sáng 20/9, Đoàn Công tác Huyện ủy Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) do ông Nguyễn Văn Đảm, Bí thư Huyện ủy Chợ Lách làm trưởng đoàn, đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm, kết nối thị trường sản xuất, sản phẩm cây giống, hoa kiểng với huyện An Phú; tiếp và làm việc với đoàn có ông Ngô Công Thức, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Phùng Minh Tân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Phú.
Bí thư Huyện ủy Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) tham qua mô hình trồng dưa lưới
Theo đó, đoàn đã tham quan mô hình sản xuất dưa lê, dưa lưới công nghệ cao của Hợp tác xã DH Farm Phước Hưng, với diện tích gieo trồng 4.000m2 cho 4 nhà lưới. Anh Nguyễn Văn Hảo, Giám đốc Hợp tác xã DH Farm cho biết: Mỗi nhà lưới có diện tích 1.000m2 , chi phí đầu từ khoảng 400 triệu đồng. Dưa lê trồng khoảng 70 ngày là cho thu hoạch, còn dưa lưới là 80 ngày. Bình quân 1.000m2 cho năng suất khoảng 3 tấn, với giá bao tiêu sản phẩm từ 30.000 -35.000 đồng/kg, mỗi nhà lưới cho thu nhập trên 90 triệu đồng/vụ, 1 năm có thể sản xuất được 4 vụ, sau 2 năm sẽ thu hồi vốn.
Dưa lưới gần thu hoạch
Đoàn còn đến tham quan vườn ươm cây giống của anh Nguyễn Văn Lâm, xã Quốc Thái. Hiện tổng diện tích vườn ươm đã phát triển được 7.000m2, được ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, cung ứng cho thị trường. Hệ thống nhà màng để ươm giống gồm: giàn ươm cây non, khay xốp, vật tư, hạt giống, máy làm khây, máy bỏ hạt và hệ thống tưới tự động,...
Lãnh đạo Huyện ủy An Phú và Huyện ủy Chợ Lách tham quan mô hình vườn ươm cây giống xã Quốc Thái
Qua áp dụng mô hình đã giúp nâng cao hiệu quả ươm cây giống, tỷ lệ nảy mầm trên 95% và rút ngắn được thời gian gieo trồng. Trung bình 1 ngày xuất bán khoảng 10-15 thiên cây con, nếu ngay thời vụ xuất bán khoảng 50-70 thiện 1 ngày, thu nhập khoảng 1,4 triệu đồng/ngày.
Tham quan máy gieo hạt
Trong chuỗi chương trình, đoàn còn đến tham quan Cột mốc 246 tại địa bàn thị trấn Long Bình và cầu Long Bình; nghe lãnh đạo địa phương trao đổi về tình hình an ninh biên giới, công tác ngăn chặn xuất nhập cảnh và hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Khánh Bình.
Tại buổi làm việc, đại diện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết: An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, tiếp giáp Campuchia với đường biên giới dài khoảng 42,5km. Diện tích sản xuất nông nghiệp cả năm của huyện là 37.500ha gồm: lúa, rau màu, cây ăn trái.
Quang cảnh buổi làm việc
Đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, toàn huyện có 36 nhà màng trồng dưa lưới, dưa lê, trồng rau ăn lá ứng dụng công nghệ cao; 67 nhà lưới giá rẻ ươm giống cây con, với tổng diện tích 5,1ha. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện An Phú có 2 sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao là xoài keo Long Bình và khô bò giòn Phú Vinh thị trấn Đa Phước. Huyện đang đánh giá thêm 4 sản phẩm và rà soát các sản phẩm tiềm năng,…
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND, ban ngành huyện An Phú tại buổi làm việc
Đối với huyện Chợ Lách, trước đây là huyện nước ngọt quanh năm. Từ năm 2016 đến nay, địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn (mỗi năm khoảng 4 tháng). Là huyện thuần nông, nên khi xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.
Huyện có diện tích đất tự nhiên 17.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 11.000ha. Thế mạnh là sản xuất giống, hoa kiểng, cây ăn trái. Toàn huyện có khoảng 15.000 hộ (trong tổng số 34.000 hộ) sản xuất cây giống, cây ăn trái. Mỗi năm sản xuất khoảng 40 triệu sản phẩm cây giống, không chỉ cung cấp thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Các loại cây giống chủ lực như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi,… Toàn huyện có 13 hợp tác xã mua bán cây giống, hoa kiểng.
Đoàn công tác Huyện ủy Chợ Lách trao qua lưu niệm cho Huyện ủy An Phú
Huyện Chợ Lách được ghi nhận là nơi sản xuất cây giống lớn nhất cả nước do người dân tự lai tạo. Hiện huyện đang tập trung xây dựng trung tâm cây giống, hoa kiểng quy mô quốc gia,... Huyện Chợ Lách mong muốn cung cấp cây giống, hoa kiểng kết nối thị trường sản xuất với huyện An Phú trong thời gian tới.
Tin, ảnh:Thế Anh