Sáng 10/7, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, bà Nguyễn Thị Phướng cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, các kỹ thuật viên đã kiểm tra thực tế tình hình rầy phấn trắng hại lúa Hè Thu.
Kiểm tra tình hình rầy phấn trắng hại lúa Hè Thu
Toàn huyện An Phú có tổng diện tích xuống giống lúa vụ Hè Thu là 13.143ha. Hiện lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa 914ha, làm đòng 5.054ha, trổ chín 7.173ha. Năm nay, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, ít mưa nên rầy phấn trắng xuất hiện gây hại trên diện rộng. Qua thống kê, tổng diện tích nhiễm rầy phấn trắng là 4.785 ha, chiếm 36,4% diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ trên 2.807ha, nhiễm trung bình 1.372ha và nhiễm nặng cục bộ 606ha.
Diện tích lúa bị rầy phấn trắng gây hại
Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Phú đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị: Đối với diện tích nhiễm trung bình và nặng, cán bộ Bảo vệ thực vật hướng dẫn dùng thuốc đặc trị pha với chất bám dính để phun. Sau khi phun bổ sung 5-7kg phân Urê hoặc phân bón lá NPK bón cho 1.000m2. Với biện pháp này, nhiều diện tích lúa của nông dân đã hạn chế tối đa rầy phấn trắng gây hại và phát triển trở lại.
Ruộng lúa được nông dân chủ động phòng trị ngay đầu vụ nên phát triển tốt
Qua kiểm tra thực tế ở xã Vĩnh Lộc, Phú Hữu và Quốc Thái cho thấy, các diện tích lúa đang trong giai đoạn phục hồi và bắt đầu trổ bông. Nhiều ruộng lúa được nông dân chủ phòng trị ngay từ đầu nên phát triển khá tốt, tuy nhiên cũng có ruộng khi bị nhiễm với mật số cao, cháy rầy nông dân không chủ động phòng trị nên ảnh hưởng khá nặng.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, Nguyễn Thị Phướng kiểm tra rầy phấn trắng hại lúa tại xã Quốc Thái
Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, bà Nguyễn Thị Phướng đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục chủ động hướng dẫn nông dân áp dụng tốt các biện pháp phòng trị rầy phấn trắng, nhằm bảo vệ lúa Hè Thu đạt năng suất tốt hơn./.
Tin: Thế Anh