Trong những năm qua, xã Khánh An thực hiện chủ trương chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như xoài, nhãn, dưa lưới, mít, chanh,… Ngoài ra, nhiều nông dân còn mạnh dạn ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giảm chi phí và tăng giá trị sản phẩm. Một trong những mô hình có thể kể đến là mô hình tưới phun sương trên cây xoài keo của gia đình ông Đoàn Phi Long ở xã Khánh An.
Mô hình tưới phun sương xoài keo đầu tiên ở huyện An Phú
Sau 12 năm trồng xoài keo theo cách thủ công như trước đây là tưới nước, bón phân phải thuê người, dẫn đến 2 héc ta xoài keo của gia đình ông Đoàn Phi Long ở xã Khánh An không mang lợi nhuận cao, giá thành chi phí lên gấp nhiều lần, chất lượng trái xoài không đạt theo yêu cầu xuất khẩu.
Tưới phun sương quanh góc cây xoài, tiết kiệm nước, giảm chi phí đầu vào
Hơn 1 năm nay, được sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực hiện mô hình tưới phun sương gốc cây xoài keo, ông Phi Long áp dụng trên 5 công đất, với chi phí đầu tư cho mô hình là 105 triệu, trong đó, nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng. Kết quả, ông Phi Long giảm chi phí thuê người tưới nước và bón phân mỗi công đất khoảng 9 triệu đồng, với 5 công đất giảm được gần 45 triệu đồng.
Ông Đoàn Phi Long, xã Khánh An, người đã vận dụng mô hình tưới phun sương trên cây xoài keo
Ông Đoàn Phi Long, xã Khánh An cho biết: Không chỉ giảm được chi phí nhân công, mà chất lượng trái xoài keo trên diện tích áp dụng mô hình tưới phun sương cũng đạt chuẩn loại 1 trên 70%, là do nguồn nước tưới dẫn từ sông vào, mang phù sa nhiều, giúp cây xoài keo phát triển hơn so với tưới nước giếng như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết thêm: Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã Khánh An khoảng 430 héc ta, thông qua mô hình tưới phun sương cục bộ trên cây xoài keo, gia đình ông Phi Long vận động bà con nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần mang lại kinh tế cao.
Kể từ khi áp dụng mô hình vào năm 2023, năng suất thu hoạch được vụ đầu tiên được gần 3 tấn trái/1 công và được thương lái mua vào thời điểm này khoảng 9.000 đồng/kg xoài, trừ chi phí, ông Long lợi nhuận được khoảng 10 triệu đồng/1 công đất canh tác. Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, vươn lên làm giàu tại quê hương.
Tất cả sản phẩm sau khi thu hoạch rất sạch, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thị trường ưa chuộng và đưa đi tiêu thụ ở các siêu thị lớn hoặc xuất khẩu. Đây được xem cách chuyển đổi sản xuất đất nông nghiệp phù hợp mà nông dân vùng biên giới đang áp dụng.
Ghi nhận, ảnh: Phan Tuấn