Hiện nay, mực nước trên các cánh đồng thuộc các xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông và những diện tích ngoài đê bao,…đang rút cạn, nông dân cũng tranh thủ vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2024-2025. Để đảm bảo vụ mùa đạt thắng lợi, nông dân cần nắm rõ kế hoạch, lịch thời vụ và các biện pháp phòng trừ dịch hại theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.
Nông dân xã Phú Hữu chuẩn bị xuống giống lúa vụ Đông Xuân (ảnh chụp ngày 14/11)
Theo Kế hoạch vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn huyện An Phú sẽ xuống giống khoảng 15.554ha, trong đó, lúa 13.974ha, màu 1.580 ha, ước sản lượng thu hoạch 105.922 tấn. Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân đạt thắng lợi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung, đúng lịch thời vụ để hạn chế rầy tấn công gây hại.
Theo đó, lịch xuống giống lúa Đông Xuân 2024-2025 bắt đầu từ ngày 01/11 đến ngày 31/12 (nhằm ngày 01/10 đến ngày 01/12/2024 âm lịch). Trong đó, lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy chia thành 2 đợt. Đợt 1: Từ ngày 18/11 đến ngày 30/11 (nhằm ngày 18/11 - 30/11 âm lịch). Đợt 2: Từ ngày 18/12 đến ngày 30/12 (nhằm ngày 18/11 đến ngày 30/11 âm lịch). Riêng 3 xã gồm: Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu tập trung xuống giống từ ngày 01/11 đến ngày 25/11/2024 (nhằm ngày 01/10 đến ngày 25/10 âm lịch), tùy theo tình hình xã, thị trấn mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống chung của toàn huyện; lưu ý, đối với tiểu vùng trũng, nước rút muộn cần chủ động bơm rút nước để xuống giống đúng lịch thời vụ chung của huyện; phải tuân thủ khung lịch thời vụ theo khuyến cáo để né rầy.
Đối với diện tích sản xuất vụ Thu Đông, sau khi thu hoạch, nông dân cần đảm bảo cho đất nghỉ ngơi ít nhất 20 ngày nhằm hạn chế thấp nhất rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá truyền bệnh gây hại và tránh ngộ độc hữu cơ.
Nông dân xã Khánh Bình mới xuống giống lúa ở tiểu vùng ấp Sa Tô khoảng 18ha (ảnh chụp ngày 15/11)
Bên cạnh việc xuống giống đúng lịch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn khuyến cáo nông dân sử dụng các loại giống có chất lượng cao, thương lái thu mua giá cao như: Đài Thơm 8, OM 5451, OM18,... Trong quá trình canh tác, nông dân nên áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” SRP, ứng dụng IPM, công nghệ sinh thái, quản lý dịch hại,…
Song song đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn khuyến cáo nông dân nên mạnh dạn áp dụng sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học để nâng cao hiệu quả của Đề án phát triển vền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; phấn đấu trong vụ Đông Xuân này phát triển được 2.700ha lúa chất lượng cao theo Đề án 1 triệu ha.
Để trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều ở giai đoạn đầu vụ, bà con cần chú ý một số đối tượng hại lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 như: ốc bươu vàng, cỏ tiền nảy mầm, giữa vụ sẽ xuất hiện sâu cuốn lá, đạo ôn, rầy nâu, rầy phấn trắng, cuối vụ thường gặp các vấn đề về vi khuẩn.
Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát lại hệ thống thủy lợi, đê bao, cống bửng trên địa bàn sau lũ để có kế hoạch nạo vét, duy tu, sửa chữa; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình thủy lợi, đê bao, cống bửng và trạm bơm điện bảo đảm phục vụ sản xuất; thực hiện tốt công tác thăm đồng, điều tra phát hiện, dự báo kịp thời tình hình phát sinh sâu bệnh gây hại quan trọng để chủ động có kế hoạch đối phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Tính đến ngày 12/11, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được trên 50ha lúa.
Để đảm bảo sản xuất lúa Đông Xuân 2024-2025 đạt thắng lợi, nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tập trung, bên cạnh, thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng sau thu hoạch, đảm bảo vụ mùa đạt thắng lợi./.
Tin, ảnh: Thế Anh