Với mong muốn nâng cao hiệu quả trong canh tác nông nghiệp, năm 2015, ông Nguyễn Văn Đua, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trường đã chuyển đất trồng màu kém hiệu quả sang mô hình trồng mận hồng An Phước trong mùng lưới. Mô hình đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ông từ hộ khó khăn vươn lên khá giả, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Ông Nguyễn Văn Đua thu hoạch mận hồng
Sau nhiều năm chật vật với cây màu không mang lại hiệu quả, năm 2015, ông Nguyễn Văn Đua bắt đầu chuyển sang mô hình trồng mận hồng An Phước trong mùng lưới trên diện tích 1.000m2. Sau 2 năm trồng, cây mận đã mang lại thu nhập đáng kể. Từ đó, ông tiếp tục nhân rộng diện tích, đến nay đã sở hữu vườn mận rộng 5.000m2, tương đương 200 gốc mận hồng An Phước và mận Đá.
Để canh tác đạt hiệu quả, hạn chế sâu bệnh, ông áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu trồng, chăm sóc mận theo hướng sạch, cụ thể, đầu tư mùng lưới bao bọc toàn bộ diện tích canh tác, để hạn chế dịch bệnh, nhất là ruồi vàng gây hại. Bên cạnh, ông lắp đặt hệ thống tưới tự động đến từng gốc cây, sử dụng phân hữu cơ và làm giàn đỡ cành để đảm bảo mận không bị gãy trước gió, bão, đồng thời, tạo độ thông thoáng để cây hấp thụ được nhiều ánh sáng và thuận tiện hơn khi thu hoạch.
Bằng các biện pháp đảm bảo an toàn cho nông sản, hạn chế sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, ông đã giảm được chi phí sản xuất. Trái mận khi thu hoạch vẫn giữ được màu sắc, hương vị thơm ngon. Theo ông Đua, 1 công mận, chi phí tốn khoảng 8 triệu đồng để mua mùng lưới bao bọc và giống,... Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi cây Mận An Phước sẽ cho 100 - 120kg trái/vụ, với giá bán 10.000 đồng/kg, chỉ sau 1 đợt thu hoạch là có lãi. Ông Nguyễn Văn Đua cho biết thêm: “Mận hồng An Phước, giống chiết cành trồng khoảng 24 tháng là cho thu hoạch, với 1 công 35 gốc mận thu hoạch đợt đầu được 3,5 tấn trái. Nếu tính giá thấp nhất 10.000 đồng/kg, thu nhập 35 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Đua làm giàn đỡ cành cho vườn mận đá
Tuy trồng trong mùng lưới, nhưng để đảm bảo năng suất thì người trồng cần canh tác đúng quy trình kỹ thuật. Theo ông Đua, nếu cây ra lá non quá nhiều thì không nên dùng phân, không nên dùng nước, nhằm ức chế cho cây ra hoa, đậu trái. Nếu trong giai đoạn này, dùng phân thuốc nhiều sẽ lãng phí mà hiệu quả không cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trường (áo trắng) bên mô hình trồng mận trong mùng lưới của nông dân Nguyễn Văn Đua
Với vườn mận 5.000m2, trung bình mỗi năm nông dân thu hoạch hơn 32,5 tấn trái, với giá bán dao động từ 10.000 - 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình ông ổn định cuộc sống vươn lên khá giàu, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Nhận xét về mô hình trồng mận mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Trường cho biết: “5 năm trước, gia đình ông Đua thuộc diện khó khăn, nhưng nhờ chuyển đổi sang mô hình trồng mận trong mùng lưới, đã giúp gia đình vươn lên khá giàu. Ngoài nuôi con ăn học, ông còn tích cực đóng góp cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu chính đáng ở địa phương”.
Toàn xã Vĩnh Trường có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 828 ha, trong đó, diện tích trồng cây ăn trái khoảng 140ha. Riêng mô hình trồng mận trong mùng lưới mới phát triển được 5.000m2, đang trở thành cây ăn trái chủ lực được Hội Nông dân xã khuyến kích nhân rộng, qua đó, nhằm tăng thu nhập ổn định cuộc sống, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững./.
Phóng sự, ảnh: Thế Anh