Trong những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện An Phú đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Trong đó, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế. Mô hình này đã và đang mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nông dân.

Vườn dưa lưới trĩu quả
Trồng dưa lưới trong nhà màng đã trở thành mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân huyện An Phú. Năm 2020, thông qua đọc báo, xem đài, thấy mô hình trồng dưa lưới có nhiều tiềm năng, nông dân Nguyễn Hoài Niệm, khóm Hà Bao I, thị trấn Đa Phước đã mạnh dạn đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng nhà màng với diện tích 1.000m2 để trồng dưa lưới. Sau 1 năm, nông dân Nguyễn Hoài Niệm đã thu hồi được vốn và tiếp tục mở rộng thêm diện tích được 2.500m2.
Vừa thu hoạch xong vườn dưa lưới 500m2, nông dân Niệm chia sẻ: “Trồng dưa lưới không khó, nhưng cần am hiểu kỹ thuật chăm sóc, nếu không dưa không đạt chất lượng. Chỉ cần tuân thủ đúng quy trình canh tác, 1 công dưa lưới cho thu nhập gấp 20 lần trồng lúa”.

Nông dân thu hoạch dưa lưới
Với 3 nhà màng trồng dưa lưới rộng 2.500m2, hiện mỗi vụ, nông dân Nguyễn Hoài Niệm trồng khoảng 6.000 cây dưa lưới và dưa lê. Mỗi cây được trồng riêng trong 1 túi bầu. Để giúp cho dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Việc áp dụng tưới nhỏ giọt không những giúp tiết kiệm nước, phân mà còn giúp dưa hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Khi dưa ra hoa, nông dân thả ong vào để thụ phấn, kết trái. Mỗi cây chỉ giữ lại một trái tốt nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Bên cạnh, để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái và hạn chế sâu bệnh gây hại, nông dân thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn.

Nông dân Nguyễn Hoài Niệm bên những quả dưa vừa thu hoạch
Đối với giống dưa lưới Ha Mi 88 và giống dưa lê Kim Hồng Ngọc mà nông dân đang trồng, thời gian thu hoạch từ 65 - 70 ngày. Trung bình mỗi nhà màng trồng dưa lưới 1.000m2, năng suất trung bình khoảng 4 tấn, có vụ trúng cũng được 5 - 6 tấn. Hiện dưa lưới đang được thương lái thu mua với giá 25.000 đồng/kg. Với 2.500m2 trồng dưa lê, dưa lưới, mỗi vụ nông dân Niệm xuất bán hơn 10 tấn trái, thu nhập trên 150 triệu đồng/vụ. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 3 - 4 vụ/năm.
Nông dân Nguyễn Hoài Niệm cho biết, với hiệu quả từ mô hình mang lại, dự kiến sắp tới tiếp tục đầu tư thêm 1 nhà màng với diện tích 1.000m2. Nông dân Nguyễn Hoài Niệm mong các đơn vị, ngành chuyên môn có những chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, đồng thời, kết nối, tạo sự liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đa Phước, ông Nguyễn Quang Trí thăm mô hình trồng dưa lưới của nông dân Nguyễn Hoài Niệm
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đa Phước, ông Nguyễn Quang Trí cho biết: Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 24 của Huyện ủy An Phú về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời, để tạo ra nông sản sạch cung ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu, hiện nay, thị trấn Đa Phước đã phát triển được 7 nhà màng trồng dưa lê, dưa lưới của 2 hộ dân với diện tích khoảng 6.000m2.
Mặc dù trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vốn đầu tư ban đầu cũng khá cao, nên nhiều nông dân muốn áp dụng nhưng không có điều kiện đầu tư. Tuy nhiên, địa phương sẽ tiếp tục vận động khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình này.

Thương lái đến tận vườn thu mua
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu thị trường. Có thể nói, đây là mô hình triển vọng, từng bước đưa nông nghiệp thị trấn Đa Phước nói riêng, huyện An Phú nói chung phát triển bền vững./.
Bài, ảnh: Thế Anh