Với điều kiện đất đai tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nông dân xã biên giới Khánh An đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngoài những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới,...nông dân nơi đây còn đầu tư phát triển mô hình trồng nấm bào ngư, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mô hình trồng nấm bào ngư trong nhà của nông dân xã Khánh An
Khánh An là xã biên giới, ngoài phát triển kinh tế biên mậu, thì sản xuất nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lương thực thực phẩm cung cấp cho thị trường và xuất khẩu. Với tính cần cù chịu khó, nông dân Khánh An luôn tìm tòi học hỏi mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống gia đình.
Cùng với các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát huy hiệu quả như: Trồng rau thủy canh, dưa lưới trong nhà màng, chế biến khô cá sặc rằn, cá lóc,...nông dân Khánh An còn áp dụng khá thành công mô hình trồng nấm bào ngư.
Anh Thắng mở bịch để meo nấm phát triển thành nấm thương phẩm
Nông dân Trần Văn Thắng, ấp An Khánh, xã Khánh An cho biết: Năm 2023, tình cờ xem đài, thấy mô hình trồng nấm bào ngư mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất thích hợp để áp dụng sản xuất tại gia đình. Thế là, ông tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc để quyết định khởi nghiệp từ cây nấm.
Ban đầu, nông dân Trần Văn Thắng bỏ ra khoảng 4 triệu đồng để lắp kệ, lên dây treo và trồng thử nghiệm 2.000 bịch phôi nấm. Mỗi phôi từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 5 tháng, với 2.000 bịch phôi nấm cho thu hoạch hơn 1,5 tấn nấm thương phẩm, giá bán 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông lợi nhuận trên 45 triệu đồng/vụ.
Thấy kết quả cao từ mô hình trồng nấm, ông Thắng tiếp tục mở rộng và lắp thêm kệ trồng, đến nay có tổng cộng 8 kệ, mỗi kệ dài 9m, cao 2m và 1 hệ thống phun sương tự động với tổng chi phí đầu từ khoảng 20 triệu đồng. Hiện mỗi vụ, ông Thắng trồng 5.500 bịch phôi nấm bào ngư, giống được Công ty cấy meo sẵn với giá 5.500 đồng/bịch, tính cả phí vận chuyển.
Nấm bào ngư đang phát triển
Nông dân Thắng cho biết, nấm bào ngư khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp. Khi mua về, đặt nấm lên kệ, giữ nhiệt độ ổn định để ủ. Sau thời gian được 70 ngày thì tiến hành tưới phun sương và khoảng 7-10 ngày sau là có thể thu hoạch.
Với 5.500 phôi nấm được chăm sóc tốt cho sản lượng khoảng 350kg/1 đợt thu hoạch. Hiện nay giá 40.000 đồng/kg, mỗi đợt thu nhập khoảng 14 triệu đồng. Mỗi vụ nấm kéo dài gần 5 tháng và thu hoạch khoảng 8 đợt, tương đương khoảng 112 triệu đồng/chu kỳ phôi.
Nếu 1 năm đầu tư khoảng 2 đợt phôi, sau khi trừ tất cả các khoản đầu tư thì người trồng thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Nông dân Trần Văn Thắng cho biết: “Từ khi trồng nấm, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn, các con ăn học cũng tốt hơn”.
Theo ông Thắng, nấm làm ra là sản phẩm sạch, bởi khi trồng không sử dụng phân thuốc, nước cũng không tưới trực tiếp lên phôi, mà chỉ tưới phun sương hoặc có khi tưới đẫm dưới sàn để nước bốc hơi cho nấm tự hấp thụ. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra chưa ổn định, ông cũng chưa kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Do đó, nấm làm ra chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái ở địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh An, ông Nguyễn Văn Trãi (bìa trái) thăm mô hình trồng nấm bào ngư của nông dân Thắng
Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh An, ông Nguyễn Văn Trãi cho biết: Mặc dù mới trồng gần đây, nhưng mô hình trồng nấm bào ngư của nông dân Thắng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ mô hình này, địa phương khuyến khích nhân rộng và tìm đầu ra, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hy vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng từ vùng đất Khánh An, biên giới còn nhiều khó khăn./.
Ghi nhận, ảnh: Thế Anh