Ngày 3-7, ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện kiểm tra Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các xã: Quốc Thái, Phú Hội, Vĩnh Trường và thị trấn Đa Phước; cùng tham gia có lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện; Phòng Tài chính Kế hoạch huyện.
Ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú (thứ 2 từ phải sang) tra mô hình sinh kế “Nuôi dê sinh sản” thị trấn Đa Phước
Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, vừa qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã trao mô hình sinh kế “Nuôi bò thịt” và “Nuôi dê sinh sản” cho 87 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 34 hộ mới thoát nghèo các xã Quốc Thái, Phú Hội, Vĩnh Trường và thị trấn Đa Phước (trong đó thị trấn Đa Phước mô hình sinh kế “Nuôi dê sinh sản”; 3 xã còn lại mô hình sinh kế “Nuôi bò thịt”).
Được biết, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, mỗi hộ nhận 02 con bò giống hoặc 5 con dê giống, tương đương 20 đến 25 triệu đồng, tổng số tiền hỗ trợ đợt này là 2 tỷ 855 triệu đồng. Sau hơn 12 tháng nuôi, người dân có thể xuất bán và hoàn vốn 20% mức hỗ trợ mua bò giống theo quy định (tương đương 05 triệu đồng đối với hộ nghèo, cận nghèo; 04 triệu đồng đối với hộ mới thoát nghèo).
Ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (ảnh giữa) thăm hỏi tình hình chăn nuôi của các hộ
Tại các địa phương, ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thăm hỏi tình hình chăn nuôi của các hộ và yêu cầu các hộ quan tâm hơn công tác chăm sóc, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại và phòng bệnh cho vật nuôi, động viên các hộ cố gắng chí thú chăn nuôi, vươn lên ổn định cuộc sống; đồng thời đề nghị địa phương, cũng như các ngành chuyên môn quan tâm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phối hợp tìm đầu ra, đảm bảo giá tốt cho các hộ khi bán bò thịt, giúp các hộ tham gia mô hình đều được thoát nghèo bền vững, như mục tiêu ban đầu mô hình đã đề ra.
Hộ dân chăm sóc tốt bò của mình
Nhìn chung, đàn bò, dê của các hộ đều tăng trưởng và phát triển tốt; các hộ rất vui mừng phấn khởi khi được tham gia Dự án và được trao sinh kế mô hình chăn nuôi; đồng thời quyết tâm chí thú chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.
Ông A Phô, hộ nghèo xã Vĩnh Trường được trao mô hình sinh kế “Nuôi bò thịt”
Ông A Phô, hộ nghèo xã Vĩnh Trường phấn khởi nói: “Hiện nay, 2 con bò đều khỏe mạnh, sau khi bán, tôi sẽ tiếp tục tái nuôi bò, để phát triển kinh tế gia đình. Tôi nhận thấy mô hình nuôi bò rất thiết thực”.
Ông Nguyễn Văn Tuyết, hộ nghèo thị trấn Đa Phước được trao mô hình sinh kế “Nuôi dê sinh sản”
Ông Nguyễn Văn Tuyết, hộ nghèo thị trấn Đa Phước vui mừng cho biết: “Mô hình “Nuôi dê sinh sản” rất dễ chăm sóc, vì dê không kén thức ăn, kỹ thuật chăm sóc không khó. Tôi khuyến khích người thân quen nuôi dê và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi. Tôi quyết tâm chăm sóc tốt đàn dê, xem đây là nguồn phát triển kinh tế gia đình”.
Dự án đa dạng hóa sinh kế giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nguồn sinh kế lâu dài, tạo thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tiến tới thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ghi nhận, ảnh: Ngọc Cẩm