An Phú bước đầu đạt kết quả cao từ mô hình chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với công nghệ sinh thái

 

Vụ Thu Đông 2024, An Phú đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này không chỉ giúp nông dân giảm chi phí canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và phát triển bền vững, tạo tiền đề quan trọng để An Phú hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 phát triển 2.700 ha lúa chất lượng cao.

Nông dân tham quan mô hình chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với công nghệ sinh thái ở thị trấn Đa Phước

Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa), vụ Thu Đông năm 2024, huyện An Phú thực hiện thí điểm mô hình chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với công nghệ sinh thái.

Mô hình có diện tích 50 ha của 29 nông dân thuộc Hợp tác xã Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước. Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn sản xuất lúa theo quy trình 1 phải 5 giảm kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa, gắn với liên kết tiêu thụ sau thu hoạch. Cụ thể, nông dân dùng giống lúa OM 34, áp dụng phương pháp sạ hàng với lượng giống từ 80-100kg/ha, tuân thủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật về quy trình canh tác lúa bền vững, như áp dụng “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước ngập, khô xen kẽ và kết hợp công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng,...đã giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trực tiếp canh tác lúa chất lượng cao gắn với công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa, nông dân Phạm Văn Đa, thị trấn Đa Phước cho biết: “Trước kia sản xuất theo tập quán cũ, chi phí đầu tư khá cao vì phun xịt phân thuốc nhiều, nay áp dụng theo mô hình 1 phải 5 giảm chi phí đầu tư thấp, vì giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc phòng trừ sâu, rầy và giảm lượng nước tưới”.

Còn nông dân Trương Văn Hoàng tham gia mô hình chia sẻ: Khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân có tâm lý lo lắng, tuy nhiên, trong quá trình canh tác rất phấn khởi, bởi lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, nhẹ chi phí hơn so với canh tác theo tập quán cũ.

Qua đánh giá cho thấy, sản xuất lúa theo mô hình 1 phải 5 giảm gắn với công nghệ sinh thái, chi phí đầu tư thấp hơn so với sản xuất thông thường gần 5 triệu đồng/ha. Vì nông dân giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới,...từ đó, lợi nhuận mang lại cao hơn sản xuất thông thường. Năng suất trung bình vụ Thu Đông đạt 6,5 tấn/ha so với ruộng đối chứng là 6 tấn/ha, với giá bán 7.300 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân lợi nhuận trên 24 triệu 400 ngàn đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng trên 8 triệu 600 ngàn đồng/ha.

Ông Phùng Thế Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết: “Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở huyện An Phú. Đồng thời, mô hình này sẽ hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả. Thực hiện theo tinh thần đề án, An Phú đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu phát triển được 2.700ha lúa chất lượng cao và đến năm 2030 phải đạt 10.050ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Vì vậy, việc xây dựng mô hình điểm là rất cần thiết và đây còn là cơ sở quan trọng giúp An Phú triển khai thực hiện Đề án thuận lợi hơn”.

Nhiều nông dân phấn khởi khi tham quan mô hình

Mặc dù Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao chỉ mới được triển khai thí điểm tại trị trấn Đa Phước, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, sản phẩm làm ra đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường. Từ hiệu quả của mô hình điểm này, thời gian tới, huyện An Phú sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa./.

Phóng sự, ảnh: Thế Anh