An Phú đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão 2024

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết trong mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy rất lớn, Ban An toàn giao thông huyện An Phú đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp, phương án nhằm ứng phó hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.

An Phú là huyện đầu nguồn, hiện tại có 25 bến khách đang hoạt động ngang sông. Là huyện có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy là rất cao trong mùa mưa bão, do lưu lượng dòng chảy trên tuyến sông tăng cao, gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động của các bến khách ngang sông

Để đảm an toàn khi tham gia giao thông đường thủy trong mùa mưa lũ, Ban An toàn giao thông huyện An Phú phối hợp các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ bến bãi, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy, chủ động thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trong phòng, chống lụt bão, đồng thời, tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa, bổ sung, chỉnh trang hệ thống biển báo, đèn tín hiệu,...

Cùng với đó, các ngành chức năng kịp thời xử lý các hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao, dẫn đến tai nạn giao thông như: Phương tiện hoạt động không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chở quá tải, chở quá số người quy định; vi phạm quy định về trang bị, không sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh,... Người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định,…đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm.

Thiếu tá Châu Hoài Phong, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện An Phú cho biết: Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện cho 100% hành khách và thuyền viên mặc áo phao trước khi cho phương tiện rời bến. Người lái, thuyền viên, thuyền trưởng phải có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở điều kiện hoạt động của các bến khách ngang sông

Quá kiểm tra, chủ phương tiện và người dân cơ bản chấp hành nghiêm các quy định khi lưu thông trên các bến đò ngang sông, tuy nhiên vẫn có một số chủ phương tiện và người dân chủ quan, không mặc áo phao khi lưu thông trên sông. Thời gian tới, theo Thiếu tá Châu Hoài Phong, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện An Phú sẽ tiếp tục tuyên truyền, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đình chỉ hoạt động nếu các chủ phương tiện không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Người dân mặc áo phao khi lưu thông qua sông

Ông Hồng Văn Tấn, Quản lý bến khách ngang sông Đồng Ky – Đồng Đức cho biết: Do được tuyên truyền đầy đủ, nên chúng tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn khi lưu thông đưa rước khách ngang sông. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt trong mùa mưa bão, chúng tôi trang bị các phương tiện như: Phao cứu sinh, áo phao và yêu cầu người dân mặc áo phao để đảm bảo an toàn khi lưu thông qua sông.

Với phương châm phòng ngừa là chính, Ban an toàn giao thông đã giao nhiệm vụ cho lực lượng Cảnh sát giao thông chủ động phối hợp các ngành liên quan tiến hành rà soát, xác định các điểm nguy hiểm để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho các phương tiện, nhất là khu vực có dòng nước chảy siết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện, yêu cầu chở đúng số lượng hàng hóa quy định, trang bị các thiết bị cần thiết trên tàu, thuyền; dừng các hoạt động vận chuyển, kinh doanh trong những ngày có bão, đồng thời, bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các nguyên nhân gây mất an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão…

Ngoài ra, Ban An toàn giao thông huyện tuyệt đối không cấp phép, điều động tàu xuất bến khi thời tiết xấu; không được chở vượt quá số lượng theo quy định, đề nghị hành khách mặc áo phao hoặc cầm, đeo dụng cụ nổi cá nhân theo quy định trong suốt hành trình,…nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nếu có tình huống.

Bên cạnh sự tích cực của lực lượng chức năng trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt là vào mùa mưa bão, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của các chủ phương tiện và người dân khi điều khiển phương tiện lưu thông, góp phần hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Phan Tuấn