Sáng 10/12, tại cánh đồng xã Vĩnh Lộc, Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả Đề tài thử nghiệm mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học; ông Phùng Minh Tân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Phú, Chủ tịch HĐND huyện; ông Nguyễn Văn Thao, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện; bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và hơn 60 nông dân giỏi các xã: Phú Hữu, Vĩnh Hậu và Vĩnh Lộc tham dự.
Đại biểu dự buổi hội thảo
Mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học được áp dụng với mật độ sạ hợp lý, khoảng 120kg/ha; thực hiện phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, tăng cường phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón hoá học; không phun thuốc trừ sâu rầy suốt vụ, chỉ sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại khi thật sự cần thiết.
Đề tài được thử nghiệm trên giống OM 5451 tại xã Vĩnh Lộc cho thấy: Mô hình giảm chi phí đầu tư hơn 8 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất truyền thống. Tuy chi phí đầu tư giảm nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế luôn cao hơn ruộng sản xuất thông thường. Cụ thể, trong vụ Đông Xuân 2024, mô hình sản xuất an toàn sinh học trên giống lúa OM 5451 có năng suất bình quân đạt 7,5-8 tấn/ha, với giá 8.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha, cao hơn 12 triệu 400.000 đồng/ha so với ruộng sản xuất thông thường.
Ông Dương Chí Tôn, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Việc áp dụng mô hình sản xuất lúa an toàn sinh học, không phun thuốc trừ sâu rầy được nhiều nông dân huyện An Phú áp dụng hơn chục năm nay. Qua thống kê, đến nay có 369 nông dân thực hiện mô hình này trên diện tích 610ha. Trong đó, có trên 54% nông dân thực hiện từ 10 năm đến 20 năm trở lên. Nông dân thường áp dụng giống lúa Đài thơm 8, IR 50404, OM 5451, OM 18, OM 34 và Cửu Long 555,…
Nông dân xã Vĩnh Lộc đánh giá hiệu quả bước đầu thực hiện mô hình sản xuất lúa an toàn sinh học
Tại buổi hội thảo, nông dân đều đánh giá cao hiệu quả mà mô hình mang lại, nhất là giảm được chi phí đầu tư ban đầu, tăng thêm lợi nhuận, đặc biệt, chất lượng sạch, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay.
Nông dân ký kết hợp đồng xây dựng thí điểm mô hình sản xuất lúa an toàn sinh học trong vụ Đông Xuân 2025
Để tiếp tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa an toàn, gạo an toàn gắn với doanh nghiệp tiêu thụ tại huyện An Phú, nông dân xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc và Phú Hữu đã ký hợp đồng xây dựng phát triển thí điểm mô hình sản xuất lúa an toàn sinh học trong vụ Đông Xuân 2025 với diện tích 3ha, sau đó tiếp tục nhân rộng ra toàn vùng./.
Tin, ảnh: Thế Anh