Những năm qua, Hội phụ nữ xã Vĩnh Hội Đông đã hình thành nhiều mô hình hỗ trợ nhau làm kinh tế, được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Điển hình có thể kể đến Tổ hợp tác phụ nữ chế biến cá khô. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương. Những năm trước đây, toàn xã Vĩnh Hội Đông có trên 60 hộ gia đình chế biến cá khô riêng lẻ.
Do vốn ít, nhiều người thiếu kinh nghiệm nên sản phẩm tiêu thụ kém, chưa có thương hiệu uy tín trên thị trường, thu nhập không ổn định. Thực hiện Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, đầu năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Hội Đông đã thành lập “Tổ phụ nữ hợp tác chế biến cá khô”. Tổ được thành lập vào tháng 7/2018 với 30 thành viên, trong đó có 13 thành viên thuộc hộ khó khăn và 17 thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, tổ đã phát triển thêm 9 thành viên, nâng tổng số lên 39 thành viên.Từ khi được thành lập “Tổ phụ nữ hợp tác chế biến cá khô”, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tạo điều kiện cho 17 chị em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn không lãi suất. Mỗi hộ được vay 12 triệu đồng để phát triển nghề cá khô. Qua đó, các chị em tự mở cơ sở chế biến cá khô nhỏ lẻ, thu nhập trên 6 triệu đồng/ tháng, đồng thời tạo điều kiện cho 35 lao động nữ có việc làm ổn định ở địa phương. Điển hình như chị Trần Thanh Thủy – Thành viên “Tổ phụ nữ hợp tác chế biến cá khô” cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình còn khó khăn, chị làm cá khô bán nhỏ lẻ ở xóm, thu nhập ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống. Từ khi nhận được nguồn vốn vay 12 triệu đồng, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho vay từ Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, chị Thủy bắt tay vào mua cá lóc chế biến, làm khô quy mô hơn trước, thu nhập ổn định. Chị Trần Thanh Thủy đang phơi cá Vào năm 2018, chị Thủy còn được tham gia lớp kỹ thuật chế biến cá khô do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với địa phương tổ chức. Sau khi hoàn thành lớp học, chị Thủy có thêm nhiều kinh nghiệm chế biến cá khô hơn trước. Chị cho biết: mua cá tươi ồn, chủ yếu là cá lóc tại thị trấn Long Bình, mỗi ngày khoảng 40 đến 50kg để chế biến khô. Cá được đánh vẩy làm sạch nhớt, loại bỏ hết nội tạng, sau khi rửa thật sạch sẽ pha hỗn hợp gia vị ướp cá, để cá thấm gia vị vài giờ, sau đó mang ra phơi nắng. Để bán được khô thành phẩm, cá sẽ được phơi 1 ngày rưỡi, bình quân 3kg cá tươi phơi còn 1kg cá khô. Chị Thủy có nhiều bí quyết chế biến, nên khô làm ra rất được người tiêu dùng địa phương ưa thích. Sản phẩm chủ yếu bán đến Thành phố Hồ Chí Minh, với giá từ 200.000 đến 220.000 ngàn đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, chị lợi nhuận trên 200.000 đồng/ ngày. Chị Thủy chia sẻ thêm: “Nhờ có được nguồn vốn vay để phát triển nghề chế biến cá khô, mà kinh tế gia đình tôi ngày được ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với nghề này, mong muốn tạo sản phẩm ngày càng uy tín trên thị trường ”.
Trong năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hội Đông đã giới thiệu cho 55 chị em vay vốn từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, mỗi hộ 12 triệu đồng; giới thiệu 15 chị em vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng số tiền trên 580 triệu đồng để phát triển nghề chế biến khô. Bà Tạ Thị Phương Thúy– Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hội Đông cho biết: “Mô hình tổ hợp tác phụ nữ chế biến cá khô” giúp Hội viên phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tiếp tục hướng dẫn hội viên từng bước xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương”. “Mô hình tổ hợp tác phụ nữ chế biến cá khô” Vĩnh Hội Đông đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều chị em hội viên phụ nữ. Có thể khẳng định hiệu quả của mô hình là hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế, tạo sinh kế tại địa phương, góp phần thực hiện hiệu các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.