Thực hiện mô hình lúa mùa nổi kết hợp khai thác thủy sản dự trên cộng đồng thuộc “Tiểu Dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long”, chiều 12/09, Trung tâm Giống Thủy sản An Giang kết hợp Phòng Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cùng chính quyền địa phương tổ chức thả cá trong ruộng lúa mùa nổi. Mô hình lúa mùa nổi kết hợp thả nuôi cá Theo đó, tại ruộng lúa mùa nổi với diện tích 36,57ha của 36 hộ dân ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, các đơn vị và nông dân thả 150kg cá rô giống trong diện tích 2.500m2 đăng lưới. Nguồn kinh phí thực hiện do Tổ điều hành hoạt động sinh kế vận động hỗ trợ. Trong đó, một phần kinh phí thực hiện mua cá giống, phần còn lại mua thức ăn; các chi phí khác được Tổ hợp tác tham gia mô hình đóng góp. Ông Dương Chí Tôn - Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện An Phú kiểm tra cá giống trước khi thả nuôi Mô hình lúa mùa nổi kết hợp thả nuôi cá trong ruộng, ít tốn chi phí đầu tư mà hiệu quả mang lại tương đối cao. Cá được thả nuôi thuận theo tự nhiên, cá tự bắt mồi, tự kiếm ăn từ nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trên đồng ruộng để tăng trưởng. Trung bình 10kg cá giống thả nuôi, sau khi thu hoạch lãi từ 5 đến 6 triệu đồng. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên ruộng lúa mùa nổi còn giúp cây lúa phát triển tốt, do phân cá thải ra. Ngoài ra, mô hình còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất. Vì cá ăn rông rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được cỏ dại trong mùa nước nổi, từ đó, giảm được chi phí đầu tư cho vụ mùa tiếp theo. Cá rô giống được thả vào ruộng lúa mùa nổi để nuôi Hiệu quả kép từ mô hình đang mở ra hướng phát triển mới, giúp nông dân tăng thêm thu nhập trong những tháng mùa nước nổi.