Các địa phương cần chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo kịp thời cho người dân những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, giông lốc, đồng thời, chủ động phòng ngừa, ứng phó từ ban đầu, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đó là ý kiến chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú trong buổi tổng kết công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai vừa diễn ra vào chiều 30/03.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phùng Thế Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết: Tính đến ngày 15/12/2022, trên địa bàn huyện An Phú xảy ra 07 vụ giông, lốc làm thiệt hại 137 căn nhà, trong đó, 5 căn bị sập, 132 căn tốc mái, xiêu vẹo, ước tổng thiệt hại 1 tỷ 870 triệu đồng. Ngoài ra, mưa giông còn ảnh hưởng 219ha lúa và hoa màu của bà con nông dân, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh, trong năm trên địa bàn huyện còn xảy ra 14 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, tăng 10 điểm so với năm 2021. Tổng cộng các đoạn sạt lở dài khoảng 428m, làm mất 1.176m2 đất và ảnh hưởng 11 căn nhà, tổng thiệt hại do sạt lở gần 300 triệu đồng. Sau những trận thiên tai xảy ra, các địa phương đã chủ động phối hợp với công an, quân sự, biên phòng làm tốt công tác giúp dân khắc phục hậu quả do thiên gây ra, đồng thời, kịp thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ người dân nhanh chóng xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống. Trong năm, huyện đã hỗ trợ 64 hộ có nhà bị sập, tốc mái với số tiền 410 triệu đồng.Đại biểu thảo luận đề ra giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quảTại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá và dự báo tình hình thiên tai có thể xảy ra, đồng thời đề xuất các giải pháp để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, cảnh báo để người dân chủ động phòng, tránh. Bên cạnh, các đại biểu còn đề nghị cần hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng để hộ dân khắc phục hậu quả khi bị ảnh hưởng của thiên tai.
Phát biểu chỉ đạo, bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho rằng: An Phú là huyện đầu nguồn, hàng năm đều bị ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, các địa phương cần tiếp tục củng cố, kiện toàn và duy trì các chốt, điểm cứu hộ, cứu nạn; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống; cảnh bảo kịp thời những vị trí có nguy cơ sạt lở hay tình hình giông lốc có thể xảy ra, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản của người dân. Song song đó, các địa phương tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, tuyến đê bao nội đồng để có kế hoạch gia cố, khắc phục những nơi sung yếu, nhằm bảo vệ an toàn diện tích sản xuất cho nông dân.