Sáng 7/11, gần 120 nông dân và các Hợp tác xã trên địa bàn huyện An Phú cùng tham gia hội thảo tổng kết mô hình điểm chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa tại thị trấn Đa Phước.
Mô hình do Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp UBND huyện An Phú triển khai thực hiện. Đây là mô hình thuộc Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn huyện An Phú; ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang; bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú tham dự.
Nông dân tham quan mô hình 1 phải 6 giảm kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa
Vụ Thu Đông năm 2024, huyện An Phú đã triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 với tổng diện tích tham gia 240 ha, trong đó có mô hình 1 Phải - 5 Giảm gắn với công nghệ sinh thái tại thị trấn Đa Phước.
Mô hình đang thực hiện có 50 ha của 29 nông dân thuộc Hợp tác xã Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước. Tham gia mô hình, nông dân được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tập huấn sản xuất lúa theo quy trình 1 phải 6 giảm kết hợp công nghệ sinh thái ruộng lúa bờ hoa, đồng thời gắn với liên kết tiêu thụ.
Trong mô hình này, nông dân cũng từng bước thực hiện sử dụng bổ sung phân hữu cơ, giảm phân đạm; tưới ngập, khô xen kẽ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh,…góp phần hạn chế tác động đến môi trường, nâng cao chất lượng hạt lúa, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Đại biểu tham dự buổi tổng kết mô hình
Qua đánh giá cho thấy, sản xuất lúa theo mô hình 1 phải 6 giảm chi phí đầu tư thấp hơn so với sản xuất thông thường. Vì giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc phòng trừ sâu, rầy, lượng nước tưới,...từ đó, lợi nhuận mang lại trên 24 triệu 400 ngàn đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng trên 8 triệu 600 ngàn đồng/ha.
Tại buổi tổng kết, hầu hết nông dân đều phấn khởi với kết quả của mô hình mang lại, đồng thời cho rằng, mô hình rất phù hợp trong thời buổi giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao; không những giảm được chi phí, tăng lợi nhuận mà giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang phát biểu
Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết: Đề án 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục đích giảm chi phí cho nông dân, hướng đến sản xuất bền vững, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp. Với hiệu quả mang lại, ông mong rằng nông dân cùng đồng hành cùng chính quyền địa phương để thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú phát biểu
Bà Nguyễn Thị Phướng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú nhấn mạnh: Mô hình không những tăng năng suất, tăng lợi nhuận, tạo ra sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo xuất khẩu, mà còn góp phần giảm lượng khí phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường, do đó, nông dân cần áp dụng và nhân rộng. Đồng thời, trong quá trình canh tác cần liên kết sản xuất, ký kết tiêu thụ để hướng đến sản xuất ổn định và bền vững hơn.
Từ hiệu quả của mô hình điểm này, thời gian tới, An Phú sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển 1.700 ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2025./
Tin, ảnh: Thế Anh