Thực hiện mô hình sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình 1 phải 5 giảm, kết hợp công nghệ sinh thái

 

Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Phú xét chọn 13 Hợp tác xã trên địa bàn, để lựa chọn 1 Hợp tác xã thực hiện “Mô hình sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình 1 phải 5 giảm, kết hợp công nghệ sinh thái”, qua đó Hợp tác xã Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước được thực hiện mô hình vụ Thu Đông năm 2024, với diện tích 50 ha.

Mô hình sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình 1 phải 5 giảm, kết hợp công nghệ sinh thái tại thị trấn Đa Phước

Cấp phát phân bón cho nông dân tham gia thực hiện mô hình

Thực hiện mô hình, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Phú tổ chức tập huấn quy trình thực hiện mô hình, kỹ thuật 1 phải 5 giảm và tiến hành cấp phát 2 tấn lúa giống OM 34; 9 tấn phân bón Đạm –Lân – Kali, được hỗ trợ 50% và hỗ trợ 30% thuốc bảo vệ thực vật cho 29 hộ tham gia sản xuất, từ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng dẫn dụ thiên địch

Bên cạnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Phú tổ chức trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng dẫn dụ thiên địch, xung quanh khu vực thực hiện mô hình, với chiều dài 1000 mét gồm: hoa sao nhái, mè, hướng dương, cúc…

Thời gian tới, nông dân sẽ được tập huấn quy trình thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp các giải pháp giảm khí cacbonic trong quá trình sản xuất; ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến thiên địch và sâu hại, đến sức khỏe con người và môi trường; kỹ thuật canh tác, phòng trị sinh vật gây hại bằng phương pháp gieo sạ “né rầy” và trồng hoa sinh thái; hợp đồng của doanh nghiệp liên kết, hiệu quả của việc liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm;…

Mô hình giúp nông dân sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa, canh tác đúng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện môi trường, đặc biệt giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân đạm và lượng CO2 trong quá trình sản xuất lúa, hướng đến một nền sản xuất bền vững.

Tin, ảnh: Huỳnh Hiếu