Bông điên điển đặc sản mùa nước nổi

 

Hằng năm, vào mùa nước nổi, nhiều người dân vùng sông nước huyện đầu nguồn An Phú bắt đầu thu hái bông điên điển trên các con đê, ven sông đem bán để tăng thêm thu nhập gia đình.      

Mỗi mùa điên điển, người dân sẽ chèo xuồng trong từng bờ rạch, bờ đê hái những chùm bông vàng rực để chế biến cho mỗi bữa cơm. Cây điển điển mọc ở các đầm ao, hay trồng theo các bờ ranh hoặc đất trống. Cây phát triển rất nhanh, điều đặc biệt không cần chăm sóc, hay đầu tư phân thuốc mà vẫn cho bông rất sai, nhờ vậy đã giúp rất nhiều người dân ở vùng lũ tăng thêm thu nhập.

Bông điên điển được bán tại các chợ rau, một món ăn dân dã nhiều người ưa thích

Từ loại bông này, người dân đã biết cách chế biến thành nhiều món ăn ngon trong từng bữa cơm gia đình như nấu canh, làm gỏi tép đồng, các món xào... hoặc ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá...

Bà Lê Thị Pha, người dân huyện đầu nguồn An Phú cho biết: “Khi bông điên điển nở rực cũng là lúc những con cá linh theo dòng nước lũ đổ về, tràn khắp các sông và ao rạch. Gia đình tôi rất thích nấu món cá linh kho lạc, chấm kèm với bông điên điển, một món ăn dân dã mang ăn đậm hương đồng gió nội mà tôi nghĩ nhà nào cũng biết đến”.  

Mỗi năm, chỉ vào mùa lũ thì loại bông này mới xuất hiện, kéo dài tầm 3-4 tháng. Vào khoảng tháng 11 âm lịch, lũ cũng rút dần, bông điên điển lại đến lúc tàn một mùa hoa nở rộ, kết trái, chờ mùa sau.

Khi lũ rút, nhiều nông dân có đất sản xuất hoặc thuê đất có ý tưởng trồng bông điên điển để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, bông điên điển ở vùng đầu nguồn An Phú trở thành đặc sản quanh năm, chẳng những dùng tại địa phương mà còn cung cấp cho các thị trường ngoài tỉnh.  

Tin, ảnh: Ngọc Cẩm